Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và một số lưu ý để phòng tránh
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, nhất là vào những dịp lễ, tết. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết. Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra do tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống không hợp vệ sinh nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây hại. Các sinh vật có hại trong thực phẩm thường bị phá hủy trong quá trình nấu ăn. Tuy nhiên, nếu trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách thì ngay cả thực phẩm nấu chín cũng còn tồn tại các vi sinh vật ấy và có thể gây ngộ độc. Vì vậy, việc nhận biết sớm các biểu hiện ngộ độc thực phẩm là vô cùng quan trọng.
Để xác định ngộ độc thực phẩm cần phải căn cứ hoàn cảnh xảy ra liên quan đến ăn, uống. Tình trạng có thể xảy ra sau năm mười phút đến vài giờ, thậm chí hàng ngày sau bữa ăn. Nếu là bữa ăn nhiều người cùng ăn thì việc có từ 02 người trở lên cùng ăn các thức ăn giống nhau, cùng bị bệnh và có các biểu hiện giống nhau giúp ta khẳng định chẩn đoán.
Kiểm tra An toàn thực phẩm tại Đà Lạt
Biểu hiện đau bụng Đau bụng có thể đau nhẹ, đau vừa hay đau dữ dội là một trong những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân này là do ăn phải thực phẩm chứa các sinh vật gây hại tạo ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột.. làm xuất hiện biểu hiện đau bụng. Biểu hiện đau do co thắt cơ dạ dày vùng trên rốn hoặc ruột non quanh rốn để tăng tốc độ chuyển động tự nhiên của ống tiêu hóa nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại càng nhanh càng tốt. Vì vậy, người bị ngộ độc thực phẩm có những cơn đau quặn vùng bụng khiến bệnh nhân khó chịu. Nhưng trên thực tế, đau bụng là biểu hiện phổ biến của nhiều bệnh lý khác vì vậy, khi có biểu hiện này xuất hiện vẫn chưa đủ để khẳng định bị ngộ độc thực phẩm.
Biểu hiện tiêu chảy: Tiêu chảy là biểu hiện ngộ độc thực phẩm phổ biến, chính là tình trạng đi phân lỏng nhiều lần (> 4 lần/ngày) nhưng không phải kiểu đi xối xả như những người bị tả. Đây là một biểu hiện điển hình xảy ra khi tình trạng viêm khiến cho ruột làm việc kém hiệu quả trong quá trình tái hấp thu nước và các chất lỏng khác tiết ra trong quá trình tiêu hóa. Phân có mùi khó chịu, phân nát hoặc lỏng, có thể có lẫn chất nhầy hoặc máu. Tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khác như cảm giác luôn muốn đi vệ sinh, đầy hơi hoặc đau bụng. Tiêu chảy nhiều có thể khiến cơ thể mất nước và các khoáng chất, nặng hơn có thể tụt huyết áp.
Biểu hiện buồn nôn và nôn: Ở người ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện buồn nôn và nôn, điều này xuất hiện khi cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, khiến người bệnh phải đưa những chất có trong dạ dày ra khỏi miệng. Trong thực tế, biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường dẫn đến các cơn buồn nôn kéo dài. Sau đó, có biểu hiện của người bệnh sẽ giảm dần mức độ nhưng cũng có trường hợp lại nôn mửa liên tục nhiều hơn.
Biểu hiện mệt mỏi, chán ăn: Khi bị ngộ độc thực phẩm ngoài các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì người bệnh còn có các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Nguyên nhân là người bệnh đau bụng, tiêu chảy,.. dẫn đến tình trạng mất nước nên khiến cho người bệnh không muốn ăn uống và mệt mỏi.
Biểu hiện sốt, ớn lạnh: Khi ngộ độc thực phẩm người bệnh có biểu hiện thân nhiệt cao, có thể sốt nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn 38ºC. Ngoài ra, khi rơi vào các tình huống nghi ngờ ngộ độc thực phẩm là vừa mới ăn xong và khởi phát các biểu hiện như nêu ở trên ngay sau đó hoặc có hai người trở lên có dấu hiệu tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm, trong khi những người không ăn thì không bị, thì vẫn có thể nghĩ ngay đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm trở nên nghiêm trọng khi có các biểu hiện sau: Nôn ói thường xuyên (có thể dẫn đến mất nước nhanh chóng); Phân có máu, sốt cao; Nôn ói thường xuyên (có thể dẫn đến mất nước nhanh chóng); Xuất hiện dấu hiệu mất nước, bao gồm: ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên. Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.
Lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc cần làm đó là chủ động bù nước và điện giải cho người bệnh.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm hiệu quả cần cẩn thận trong khâu chọn lựa và chế biến thực phẩm, cụ thể như: Chọn mua những thực phẩm tươi sống, còn hạn sử dụng, có xuất xứ rõ ràng. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín. Ăn uống hợp vệ sinh (không ăn thức ăn sống, hay nấu chưa kỹ, không ăn thức ăn để qua đêm…). Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nơi chế biến thức ăn sạch sẽ.
Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)
(Nguồn Báo sức khỏe đời sống)