PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG HỌC ĐƯỜNG
Bất kỳ ai hút thuốc lá cũng dễ dàng gặp phải những căn bệnh nguy hiểm. Tác hại của thuốc lá đối với lứa tuổi học đường cũng không phải ngoại lệ; độ tuổi mới lớn thích những điều mới lạ, thích bản lĩnh và nghĩ rằng mình đã đủ chín chắn để làm một người trưởng thành nên các em dễ bị sa đà vào những thứ nguy hiểm như thuốc lá.
Nguyên nhân dẫn đến hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên
Người thân xung quanh hút thuốc: Ở đổi tuổi học sinh, sinh viên đa phần các em đang ở tuổi vị thành niên vì thế nên thường có xu hướng bắt chước thói quen của người lớn. Chúng luôn khao khát tò mò với thế giới xung quanh vì thế nên nhìn thấy người lớn hút thuốc bất giác sẽ làm theo.
Một số em thích thể hiện bản thân: Ở độ tuổi này đa số các em đều thích thể hiện bản thân và dễ bề lôi kéo, rủ rê hút thuốc lá và đặc biệt muốn thử. Một số học sinh, sinh viên bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tập hút thuốc lá cho đúng là “đàn anh, đàn chị”. Ngay khi trong cuộc sống, trong gia đình có người nghiện thuốc lá làm cho các em theo hướng đó mà học tập theo.
Quản lý của gia đình và xã hội còn lỏng lẻo: Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và xã hội. Những đứa trẻ hút thuốc không nhận được sự quan tâm của gia đình.
Tác hại của thuốc lá đối với học sinh, sinh viên
Trong thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư như: nicotine, hắc ín, chất phụ gia,.. Khi hút thuốc, khói thuốc bị hít vào sẽ tạo điều kiện cho những chất độc này được tuồn vào cơ thể.
Các chất độc hại này dần phá hủy các tế bào của cơ thể, gây nên những nguy hiểm nghiêm trọng. Điển hình nhất là các bệnh về phổi: ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi,. Ở độ tuổi đang dậy thì các em sẽ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng.
Hút thuốc còn là nguyên nhân khiến người hút mắc các bệnh về tim mạch, các bệnh về ung thư, ảnh hưởng đến cả sinh sản sau này. Không chỉ vậy hút thuốc còn ảnh hưởng đến tinh thần và trí lực của các học sinh, sinh viên. Ở độ tuổi mới lớn các em còn bị những cám dỗ và hay sa đà vào những tệ nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này.
Hội thi phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh tại huyện Đơn Dương
Tại sao ngày nay việc sử dụng thuốc lá điện tử đang dần phổ biến và ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường?
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Đáng lo ngại, nếu sản phẩm thuốc lá mới được bán công khai như thuốc lá thông thường thì giới trẻ sẽ thử dùng và nghiện nicotine, khi đó tỷ lệ sử dụng sẽ gia tăng nhanh, vượt kiểm soát.
Tác hại trầm trọng của thuốc lá điện tử
Đã có không ít trường hợp học sinh, sinh viên được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện. Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.
Phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả cộng đồng
Để phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường, các trường học có thể phối hợp với ngành Y tế để thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử tại các trường học và chỉ đạo xây dựng mô hình trường học không khói thuốc.
Các nhà trường phối hợp ngành Y tế, các tổ chức chính trị đoàn thể ở địa phương lắp đặt pano, áp phích, bảng mica, tờ rơi về phòng chống tác hại của thuốc lá tại các nhà trường. Đồng thời tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi tọa đàm, nói chuyện, tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá... thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội...
Bên cạnh đó, cần đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, đưa các tiêu chí phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung xét thi đua hàng năm và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong nhà trường.
Trường học có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm khắc trong việc ngăn ngừa học sinh tiếp cận và sử dụng thuốc lá; cho học sinh ký cam kết không sử dụng thuốc lá. Treo các biển báo cấm hút thuốc lá trong khuôn viên nhà trường, môi trường làm việc không khói thuốc lá...
Như vậy, để đẩy mạnh xây dựng trường học không khói thuốc, nhà trường cần chú trọng công tác tuyên truyền, và quyết liệt hơn trong việc xử phạt hành vi hút thuốc lá trong môi trường học đường. Ngoài ra, các trường cần nâng cao ý thức và nhận thức về tác hại của thuốc lá ở mỗi học sinh, để các em không hút thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng.
Thái Tuyền – Ninh Thu – CDC Lâm Đồng
Nguồn: Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá