BỔ SUNG LIỀU VẮC XIN PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU CHO TRẺ TỪ 01/8

 

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT ban hành Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Trong đó, lịch tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ có thêm 01 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 07 tuổi.

Theo Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985. Hiện nay, vắc xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 03 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 01 tuổi và 01 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. 

Căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT, trong đó bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 07 tuổi. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Hiện nay, trên thế giới, hơn 100 quốc gia đã triển khai tiêm ít nhất 05 mũi  vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván cho trẻ.

Như vậy, Việt Nam sẽ triển khai tiêm 05 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 02 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức WHO nhằm tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.

Cũng theo Tổ chức WHO, việc bổ sung liều vắc xin cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh. 

Chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh. Không tự ý tiêm chủng  vắc xin chứa thành phần bạch hầu. Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng. 

Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam nên việc tiêm  vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các  vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. 

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định cũng như khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần thì tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế. 

Người dân cần tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, không hoang mang, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu. 

Trong trường hợp cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh. 

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu tại Khu căn cứ Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông

Thái Tuyền – Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)