Ngày Viêm gan Thế giới 28/7

Nâng cao nhận thức, chung tay đẩy lùi bệnh viêm gan

 

 

Ngày 28 tháng 7 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày Viêm gan Thế giới. Ngày này ra đời với mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh viêm gan do vi rút, qua đó khuyến khích phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh có hiệu quả. Viêm gan ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương gan, xơ gan, tiến triển đến ung thư gan. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm vi rút viêm gan B và C mạn tính cao nhất, kéo theo gánh nặng chăm sóc y tế và chi phí khám, chữa bệnh gia tăng không ngừng.

Viêm gan do vi rút hay viêm gan siêu vi là bệnh viêm gan do các chủng vi rút viêm gan A, B, C, D và E gây ra. Các đường lây nhiễm có thể được chia thành hai loại. Một là lây truyền qua đường phân miệng, bao gồm: viêm gan A và E. Nguyên nhân chủ yếu là nhiễm trùng do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi rút. Hai là lây truyền chủ yếu qua đường máu, từ mẹ sang con và qua đường tình dục. Chẳng hạn như viêm gan B, C và D, có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung trang bị cá nhân dính máu, tiếp xúc với kim tiêm bị ô nhiễm…

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có 304 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với viêm gan B hoặc C. Đối với hầu hết mọi người, việc xét nghiệm và điều trị vẫn nằm ngoài tầm với. Viêm gan do vi rút là nguyên nhân gây tử vong do nhiễm trùng đứng thứ hai trên toàn cầu, với 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm – tương đương với bệnh lao. Trong số này, 83% là do viêm gan B và 17% là do viêm gan C. Cứ mỗi 30 giây sẽ có một người tử vong vì bệnh liên quan đến viêm gan, chúng ta phải đẩy nhanh hành động để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị tốt hơn để cứu sống và cải thiện kết quả sức khỏe. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Viêm gan Thế giới năm 2024 là “Đã đến lúc hành động”.

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

 

Để chủ động phòng chống bệnh viêm gan, người dân cần:

- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và sớm nhất có thể. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Với thanh thiếu niên và người lớn cần xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan B chưa. Nếu chưa bị mà cơ thể chưa có kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân mình.

- Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh viêm gan do vi rút trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Đối với bệnh viêm gan vi rút A và E: Nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh… Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy. Đối với bệnh viêm gan vi rút B, C và D: Không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm mình, môi, lông mày và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo… với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

Chung tay đẩy lùi bệnh viêm gan là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia. Hãy nâng cao nhận thức, thực hiện tiêm chủng đầy đủ, áp dụng lối sống lành mạnh và chung tay góp sức để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Hãy hướng đến một thế giới không còn bệnh viêm gan.    

Thái Tuyền – Mỹ Huyền (CDC Lâm Đồng)