NGÀNH Y TẾ LÂM ĐỒNG TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC HOẠT 

ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng; Tính đến ngày 18/7/2024, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 3.743 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 2.065 ca so với cùng kỳ năm 2023.

 

Cán bộ y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương

giám sát mật độ lăng quăng tại nhà dân

Số ca mắc Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tập trung chủ yếu tại 06 huyện/ thành phố là: huyện Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, chiếm 92,8% số ca bệnh của toàn tỉnh. Trong đó Thành phố Bảo Lộc có số ca mắc SXHD cao nhất tỉnh chiếm 38,5% số ca mắc toàn tỉnh, năm 2024 ghi nhận 1.442 ca mắc tăng 1.338 ca so cùng kỳ 2023.

 

Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết

Tại 11/12 huyện, thành phố trong tỉnh đều có ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết (trừ huyện Lạc Dương), trong đó tỷ lệ xử lý ổ dịch bằng phun hóa chất cao tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Hiện trên địa bàn tỉnh có 947 ổ dịch sốt xuất huyết, 100% ổ dịch phát hiện đều được xử lý. Trong đó, 396 ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng (chiếm 41,8%) và 551 ổ dịch được xử lý bằng hình thức diệt lăng quăng (chiếm 58,2%).

Truyền thông phòng chống sốt xuất huyết

Ngành Y tế đang phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, vận động nhân dân, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, diệt muỗi và lăng quăng/bọ gậy tại cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và địa bàn nơi cư trú. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài trên địa bàn.  

Thái Tuyền – Kim Cúc (CDC Lâm Đồng)