BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do vi rút viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B gây ra. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi. 

Ở nước ta, loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 7) và hoạt động mạnh vào buổi tối. 

Đối tượng có nguy cơ cao mắc Bệnh viêm não Nhật Bản là trẻ em do có hệ miễn dịch yếu hơn người lớn và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ.

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản

- Giai đoạn ủ bệnh: Thông thường, bệnh viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh là từ 5 - 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng viêm não Nhật Bản.

- Giai đoạn khởi phát:

+ Sốt: triệu chứng phổ biến, xảy ra đột ngột, sốt liên tục 39-40 độ C nhưng cũng có khi sốt không cao.

+ Nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt.

+ Buồn nôn, nôn.

- Giai đoạn toàn phát: Sau giai đoạn khởi phát, các biểu hiện thần kinh sẽ nhanh chóng xuất hiện:

+ Rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê.

+ Thường có co giật.

+ Có thể có các dấu hiệu thần kinh khác: dấu hiệu màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ...

+ Có thể có suy hô hấp, sốc.

- Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do vi rút. Hiện đã có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại vi rút chứ không phải tất cả. Chủ yếu điều trị triệu chứng ở người bệnh, phối hợp hỗ trợ và nâng đỡ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe.

Biến chứng của viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật bản gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng như: viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp… Ngoài ra, bệnh viêm não nhật bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường...

Cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Do bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Culex đốt các động vật mang mầm bệnh sau đó lây truyền mầm bệnh sang người vì thế việc phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản quan trọng nhất cần phải diệt trung gian truyền bệnh. Thực  hiện nguyên tắc phòng bệnh cụ thể như:

  • Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi...
  • Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
  • Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.
  • Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần tiêm phòng cho bé đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm phòng ngừa hiệu quả nhất và an toàn cho bé. Đặc biệt, hiệu lực của vắc xin không thể bảo vệ tuyệt đối 100%, trung bình 90-95% tùy loại, do đó một số ít trẻ đã tiêm nhưng có thể mắc bệnh. Ở trường hợp này, vắc xin chỉ bảo vệ được khoảng 3-4 năm, vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc lại, không phải do chất lượng vắc xin.

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

BS. Quốc Huy – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)