PHÒNG CHỐNG THIẾU VI CHẤT DINH DƯỠNG

TRONG THỜI KỲ MANG THAI

 

Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi. Các báo cáo dinh dưỡng cho thấy tình trạng phụ nữ mang thai bị thiếu vi chất ở nước ta rất phổ biến và là vấn đề đáng lo ngại. Điều này có thể gây ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi như dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật, băng huyết… còn con bị suy sinh dưỡng, dị tật ống thần kinh.

Nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà mẹ và thai nhi

Các chuyên gia khuyến cáo, thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, thai nhi và sự phát triển của trẻ sau sinh.

Phụ nữ mang thai bị thiếu kẽm có thể dẫn đến dị dạng bào thai, giảm cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh, chậm phát triển tầm vóc; Thiếu sắt làm tăng nguy cơ trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, tử vong ở mẹ và con; Thiếu acid folic gây dị tật ống thần kinh, hở hàm ếch; Thiếu DHA khiến trẻ kém thông minh…

Ngoài ra, dinh dưỡng kém từ trong bào thai cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị béo phì và các bệnh không lây sau này; Làm nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ em khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy, viêm phổi hay các bệnh viêm đường hô hấp khác.

Bổ sung trước, trong và sau thai kỳ

Các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất khi mang thai, phụ nữ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất ngay từ khi có ý định mang thai đến suốt quá trình mang thai và sau khi sinh cho con bú.

Phòng chống thiếu vitamin A: Trong cơ thể, vitamin A rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng, phát triển, tăng cường hệ thống miễn dịch và duy trì sự toàn vẹn của biểu mô. Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A bao gồm bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Các thực phẩm chứa vitamin A  như  thịt, trứng, cá, gan, tôm… nhằm tạo hình và phát triển đầy đủ các cơ quan của cơ thể bé.

Phòng chống thiếu vitamin D: Vitamin D là chất cần thiết nên được bổ sung đầy đủ trong thai kỳ như hỗ trợ tăng cường miễn dịch, phân chia tế bào của thai nhi, hỗ trợ việc hình thành xương và răng của thai nhi; Bổ sung vitamin D bằng cách ăn uống đa dạng thực phẩm như trứng, gan, dầu cá…; Ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá và các thực phẩm từ sữa chua.

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng: Cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt cho người mẹ, hướng dẫn lựa chọn các thực phẩm giàu sắt, hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt như cà phê, chè đặc…

Phòng chống thiếu kẽm: Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và chuyển hóa. Một số biểu hiện cũa thiếu kẽm như biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, rối loạn giấc ngủ. chậm phát triển thể lực, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Tăng cường sử dụng thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, quả chín giúp tăng khả năng hấp thụ sắt/ kẽm, sử dụng các thực phẩm giàu kẽm gồm các thức ăn từ động vật như hàu, thịt bò, cá.

Phòng chống thiếu i ốt: I ốt là một vi chất tự nhiên, là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxin là một hóc môn tuyến giáp. Khi bị thiếu i ốt sẽ bị chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ. Để tránh được tình trạng thiếu hụt i ốt chúng ta nên sử dụng muối i ốt hàng ngày.

Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi. Phụ nữ mang thai có nhu cầu về dinh dưỡng cao hơn mức bình thường để phát triển một số cơ quan của cơ thể nhằm thích ứng với quá trình mang thai và nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh. Ngoài bổ sung năng lượng, các chất đạm và chất béo, bổ sung vi chất dinh dưỡng đúng cách cho phụ nữ mang thai không những là một trong các yếu tố quyết định cho sức khỏe người mẹ mà còn cho sự hình thành và phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ sau này.Vì thế cần phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ngay khi người mẹ mang thai.

 

Tuấn Anh – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)