TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH

GIÁM SÁT BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT, TAY CHÂN MIỆNG

TẠI HUYỆN LÂM HÀ

 

              Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác những tháng đầu năm 2024.

Tính đến ngày 06/5/2024, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà phát hiện và ghi nhận 106 trường hợp mắc Sốt xuất huyết (SXH) tại 14/16 xã/Thị Trấn, tập trung chủ yếu tại Thị Trấn Đinh Văn 33 ca, Nam Ban 10 ca; Xã Đạ Đờn 17 ca, Tân Văn 04 ca, Phú Sơn 05 ca, Phi Tô 03 ca, Phúc Thọ 08 ca, Tân Hà 09 ca, Hoài Đức 02 ca, Tân Thanh 04 ca, Đan Phượng 20 ca, Liên Hà 04 ca, Mê Linh 04 ca, Gia Lâm 01 ca (số ca bệnh dưới 15 tuổi là 42 ca), số ca được chẩn đoán SXH Dengue nặng là 02 ca, không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH.

 Hoạt động giám sát véc tơ tiếp tục duy trì 01 điểm giám sát côn trùng của huyện tại thị trấn Đinh Văn: Biện pháp xử lý dịch chủ yếu hiện nay của địa phương là xử lý ổ dịch bằng phương pháp diệt lăng quăng. Tính đến tuần 18/2024, huyện Lâm Hà đã thực hiện xử lý 29/29 ổ dịch, trong đó có 23/29 ổ dịch được xử lý bằng phương pháp diệt lăng quăng chiếm 79,3%.

 

 

 

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn biện pháp diệt lăng quăng phòng bệnh Sốt xuất huyết

 Khảo sát tình hình thực tế tại địa phương của đoàn giám sát cho thấy, các ca bệnh tập trung chủ yếu ở những vùng trồng dâu nuôi tằm của thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn. Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế đã triển khai xử lý ổ dịch bằng phương pháp diệt lăng quăng,  tuy nhiên hiệu quả không nhanh bằng việc kết hợp 02 biện pháp phun hóa chất (xử lý đàn muỗi trưởng thành) và diệt lăng quăng.  Để đánh giá hiệu quả thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, đoàn đã tiến hành giám sát khảo sát véc tơ tại tổ dân phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, sau khi Trạm y tế đã thực hiện xử lý ổ dịch diệt lăng quăng (nơi ghi nhận 02 ca SXHD nặng).

Kết quả cho thấy địa phương đã triển khai nhanh các hoạt động phòng, chống dịch, vận động nhắc nhở người dân tổng vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, tổ chức phun hoá chất,... nhưng vẫn còn tình trạng người dân ý thức chưa cao về việc phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường chưa triệt để trong từng gia đình, vẫn còn gia đình để vật dụng, phế thải chứa nước có chứa bọ gậy ... 

Bệnh SXH hiện nay vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.  Đoàn giám sát đã nhắc nhở, hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh không để bọ gậy, muỗi phát triển, khuyến cáo người dân sử dụng các loại hóa chất diệt muỗi và phải nằm màn thường xuyên để chủ động phòng chống SXH. Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, chặt chẽ và cần huy động sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và từng người dân mới hạn chế được những hậu quả của SXH gây ra trong cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra các hoạt động phòng chống bệnh Tay chân miệng tại trường mẫu giáo Đông Thanh – Lâm Hà

Dịp này, đoàn đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh Tay chân miệng tại trường mẫu giáo Đông Thanh, đặc biệt là việc vệ sinh cá nhân cho trẻ, dụng cụ học tập, vui chơi, nơi sinh hoạt của trẻ và hướng dẫn  giáo viên cần theo dõi sát trẻ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý kịp thời và phòng tránh bệnh lây lan.

BS Song Hà – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)