Những điều cần biết về bệnh Thủy đậu

Bệnh Thủy đậu (còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do nhiễm vi rút Thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất, thường gặp vào mùa xuân và có thể gây thành dịch. Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ lâu khỏi và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh Thủy đậu lây truyền như thế nào?

Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng Thủy đậu. Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của đường hô hấp hoặc nốt phỏng.

Những triệu chứng thường gặp

Khi mắc Thuỷ đậu, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt từ 380C đến 390C kéo dài 03 đến 05 ngày, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy.

Bệnh kéo dài từ 07 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng các mụn nước sẽ khô dần bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng, ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm màng não… tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Chăm sóc người bệnh thủy đậu

1. Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều.

2. Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.

3. Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.

4. Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.

5. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

6. Khi có dấu hiệu của những biến chứng do Thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh Thuỷ đậu

     Để chủ động phòng tránh bệnh Thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 07 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh Thủy đậu hiệu quả  nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin Thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm chủng theo đúng liều lượng quy định.

Trẻ từ 01-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa Thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 6 tuần. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa Thủy đậu trước khi mang thai 03 tháng.

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

Thái Tuyền – Mỹ Huyền (CDC Lâm Đồng)