Tác hại của thuốc lá

Thành phần, độc tính của thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 loại hoá chất. Trong đó, ít nhất 250 loại có hại cho sức khoẻ và khoảng 70 loại hóa chất có thể gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Người ta chia ra 4 nhóm chính:

Nicotine: Nicotine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi thuốc khi tiếp xúc với không khí. Nicotine được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2mg nicotine mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa nicotine một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào.

 Monoxit carbon (khí CO): Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy. Với người hút trung bình 1 bao thuốc mỗi ngày thì hàm lượng hemoglobine khử có thể tới 7-8%. Sự tăng hemoglobine khử làm chuyển dịch đường cong phân tách oxy-hemoglobin dẫn đến giảm lượng oxy chuyển đến tổ chức gây thiếu máu tổ chức và có lẽ góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày- lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

Các chất gây ung thư: Trong khói thuốc lá có trên 40 chất trong số đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene có tính chất gây ung thư. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

Các nguy cơ gây bệnh của hút thuốc lá

Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 01 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch…Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình với đơn vị là: bao/ năm tính bằng cách lấy số bao thuốc hút trung bình hàng ngày nhân với số năm hút (số lượng thuốc hút bao/ năm càng lớn thì nguy cơ càng cao) và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn.

Ung thư phổi: Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi: khoảng 87% trong số 177,000 ca mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác như: ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền; 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư, nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào nhỏ ở những người hút thuốc tăng 5 đến 20 lần trong khi nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn tăng 2 đến 5 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ nguy cơ sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hàng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm. Thời gian hút thuốc lá cũng rất quan trọng, thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn.  

Các loại ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ bao gồm ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng và họng. Những nguy cơ của các bệnh ung thư này sẽ tăng dần cùng với số lượng và thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố mạnh nhất gây ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ. Ung thư thực quản:  Nguy cơ phát bệnh ung thư thực quản của người hút thuốc lớn hơn 8 tới 10 lần người không hút thuốc. Những nguy cơ này sẽ bị tăng thêm từ 25 tới 50 phần trăm nếu người hút thuốc sử dụng nhiều rượu. Ung thư thanh quản: Hút thuốc gây nên 80% trong tổng số ung thư thanh quản. Người hút thuốc chịu nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản lớn hơn 12 lần so với người không hút thuốc. Ung thư miệng: Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước bọt, miệng và vòm họng. Những người nam giới hút thuốc có nguy cơ lớn gấp 27 lần phát triển các bệnh về ung thư miệng hơn những nam giới không hút thuốc. Ung thư mũi: Về lâu dài người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn người không hút thuốc trong phát bệnh ung thư mũi

Ung thư thận và bàng quang: Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cả thận và bàng quang. Trong tổng số ca tử vong do ung thư bàng quang, thì ước tính khoảng 40 tới 70% là vì sử dụng thuốc lá.

Ung thư tuyến tuỵ: Tuyến tuỵ là tuyến dễ bị ung thư vì khói thuốc vào cơ thể tới tuyến tuỵ qua máu và túi mật. Ước tính rằng thuốc lá là nguyên nhân của 30% của tổng số ung thư tuyến tuỵ.

Ung thư bộ phận sinh dục: Ung thư âm hộ, là một phần của bộ phận sinh dục nữ thông thường hiếm gặp. Tuy nhiên phụ nữ mà hút thuốc có nguy cơ gấp đôi mắc ung thư âm hộ.

Ung thư tử cung: Sự liên quan giữa hút thuốc và ung thư tử cung chỉ mới được phát hiện gần đây. Có ít nhất 12 nghiên cứu đã thấy phụ nữ hút thuốc có tăng nguy cơ bị ung thư tử cung và nguy cơ tăng cùng với số lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là thuật ngữ để chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào đo hô hấp ký đồ với nghiệm pháp giãn phế quản không hồi phục hoàn toàn. Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra BPTNMT, có 15% những người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng BPTNMT và 80% - 90% người mắc BPTNMT là nghiện thuốc lá.   

Bệnh Hen: Hen được đặc trưng bởi tính phản ứng quá mức của đường dẫn khí. Sự phản ứng quá mức này dẫn đến các cơn hen, bệnh nhân có thở khò khè, ho hoặc khó thở. Hút thuốc không phải là nguyên nhân gây ra cơn hen nhưng nó làm cho tình trạng bệnh hen nặng lên. Những người bị hen hút thuốc sẽ có tăng tiết đờm, giảm cử động của lông chuyển phế quản, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng giải phóng các chất dị ứng tác dụng nhanh và phá huỷ các đường dẫn khí nhỏ. 

Hút thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp: Khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Hút thuốc kích thích hệ thống thần kinh tự động của tim. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút. Một tác động quan trọng khác là gây tăng huyết áp cấp tính.   
Bệnh mạch vành: Hút thuốc chủ động đã được biết chắc chắn là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nhưng tiếp xúc với môi trường khói thuốc hay hút thuốc thụ động thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tăng 20-30%. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2-4 lần và tử vong nhiều hơn khoảng 70% do bệnh này.  

Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim: Những người hút thuốc hay bị cả cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn ở những người không hút thuốc. Ở những người hút thuốc thì tuổi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim sớm hơn, nguy cơ tái phát cơn nhồi máu trong một năm gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Khi so sánh với những người không bao giờ hút thuốc thì những người hút thuốc có nguy cơ bị co thắt mạch vành cao gấp 20 lần, thời gian bị cơn co thắt mạch vành kéo dài hơn và ở những mức gắng sức thấp hơn so với người không hút thuốc. Co thắt mạch vành có thể xảy ra sau khi chỉ hút một điếu thuốc.

Bệnh cơ tim: Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh cơ tim cao hơn so với người không hút thuốc. Khói thuốc gây bệnh bằng cách phá huỷ các động mạch nhỏ, hoặc có lẽ CO trong khói thuốc làm tổn thương trực tiếp cơ tim. Có thể hút thuốc còn làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm virus dẫn đến bệnh viêm cơ tim.

Tác hại của hút thuốc đối với sức khoẻ sinh sản của phụ nữ

Khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khoẻ sinh sản của phụ nữ với những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là tỉ lệ sinh đẻ ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn khoảng 30% so với phụ nữ không hút thuốc. Có một số lý do giải thích tại sao những người hút thuốc hay bị vô sinh hơn.

Tổn thương các noãn bào: Hút thuốc gây tổn thương trực tiếp thậm chí phá huỷ noãn bào, do vậy gây vô sinh. Nicotine có tác dụng ngăn cản hình thành lớp bảo vệ được gọi là lớp vỏ. Lớp này có tác dụng ngăn không cho các tinh trùng khác xâm nhập vào trứng sau khi đã có một tinh trùng xâm nhập vào trong trứng, ngăn ngừa tình trạng đa tinh trùng. Những phôi có nhiều tinh trùng này dễ bị chết trong qúa trình phát triển hoặc sẩy thai tự phát.

Tiết hormone bất thường: Ở phụ nữ hút thuốc gây thay đổi nồng độ một số hormone bao gồm hormone estrogen và hormone kích thích nang. Và sự phóng noãn của buồng trứng xảy ra không được bình thường ở người hút thuốc đó là nguyên nhân chính gây vô sinh.

Sảy thai tự phát: Ở những phụ nữ hút thuốc nguy cơ sẩy thai cao gấp 1,5-3,2 lần so với những người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc bị sảy thai mỗi năm khoảng 19.000 đến 141.000 lượt.

Vỡ ối sớm; Ở những người hút thuốc hay gặp vỡ ối sớm hơn ở những người không hút thuốc. Một phụ nữ bị vỡ ối sớm có thể gây chuyển dạ, điều này rất nguy hiểm nếu như tuổi thai chưa đủ. Vỡ ối sớm rất nguy hiểm còn vì nó “mở cửa” cho vi khuẩn xâm nhập vào môi trường vô khuẩn của thai nhi gây nên tình trạng nhiễm trùng có thể đe doạ tính mạng của thai nhi.

Đẻ non: Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ thì ở những thai phụ hút 1 bao/ngày thì tỷ lệ đẻ non cao hơn 20% so với phụ nữ không hút thuốc. Những trẻ đẻ quá sớm (dưới 37 tuần) thường hay gặp những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.

Hút thuốc gây mãn kinh sớm: Lý do chính dẫn đến mãn kinh sớm là do hút thuốc làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Tất cả các phụ nữ từ sau 40 tuổi thì estrogen giảm dần từ từ, sau đó giảm nhanh chóng ở thời kỳ mãn kinh. Hết kinh khi người phụ nữ không sản xuất đủ hormone để duy trì chu kỳ kinh nguyệt. Theo một số nghiên cứu thì phụ nữ hút thuốc mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc trung bình là 1,74 năm.  

Thai chết lưu, chậm phát triển trong tử cung và trọng lượng khi sinh thấp: Hút thuốc làm tăng nguy cơ thai chết lưu do hút thuốc gây các biến chứng ở rau thai và hút thuốc làm thai nhi phát triển chậm trong tử cung. ở những người hút thuốc thì nguy cơ đẻ trẻ ít cân cao gấp 3,4- 4 lần. Những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc nhẹ cân hơn so với con của những bà mẹ không hút thuốc trung bình khoảng 170-200 gram do những đứa trẻ này phát triển chưa được đầy đủ.                 

Ảnh hưởng đến trí tuệ của thế hệ sau: Người mẹ hút thuốc lá khi mang thai còn ảnh hưởng lâu dài sau khi sinh. Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập ở trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng các ảnh hưởng đó là do thuốc lá gây giải phóng vào trong máu những chất làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Sự giảm oxy cũng có vai trò gây tình trạng này.

Hút thuốc và khả năng sinh sản, rối loạn tình dục ở nam giới: Hút thuốc làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương. Nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc thì có nồng độ testosterone thấp (hormone này cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng) và làm tăng nồng độ hormone kích thích nang (hormone nữ hoá). Hút thuốc làm giảm số lượng tinh dịch: tuỳ thuộc vào lượng thuốc hút mà những ngưòi hút thuốc số lượng tinh trùng giảm nhiều hay ít (với những người nghiện thuốc càng nặng thì điều này càng rõ). Hút thuốc gây nên viêm hệ thống sinh dục làm tinh trùng khó xâm nhập vào trứng.  

BS.CKII - Nguyễn Quốc Minh – Giám đốc CDC Lâm Đồng