PHÒNG, CHỐNG CÁC RỐI LOẠN DO THIẾU I-ỐT

          Hưởng ứng “Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt – 02/11”, ngành Y tế kêu gọi mọi gia đình, mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy tích cực sử dụng muối I-ốt, bột canh I – ốt hoặc các chế phẩm thức ăn có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày để không bị mắc các bệnh rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.

I-ốt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng mà cơ thể người cần được cung cấp thường xuyên, liên tục, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được. Do không tự tổng hợp được nên con người cần cung cấp i-ốt thông qua nguồn thức ăn, đồ uống hàng ngày. Sự hấp thu và đào thải iốt của cơ thể rất đơn giản. Nếu dư thừa lượng iốt cơ thể sẽ tự động đào thải theo nước tiểu. Nhưng thiếu hụt lại gây ra những nguy cơ lớn về rối loạn nội tiết và bệnh tật.

      Trong mỗi giai đoạn phát triển của đời người, thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau. Thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai có thể gây sảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn, không thể nào chữa được. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây nên bướu cổ và các biến chứng của nó như thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế - xã hội.

Sử dụng muối i-ốt là biện pháp chủ yếu để phòng, chống các bệnh tật rối loạn do thiếu iốt. Đây là phương pháp tiện lợi an toàn, rẻ tiền, dễ thực hiện. Có thể phòng tránh được bằng cách bổ sung một lượng iốt rất nhỏ vào bữa ăn qua việc sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung i-ốt từ các loại hải sản vì những thực phẩm này rất giàu iốt.

Khám bệnh cho bệnh nhân Bướu Cổ tại Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng

Cơ thể con người không tự sản sinh ra I-ốt mà I-ốt phải được đưa từ bên ngoài vào, chủ yếu qua thức ăn. Các nhà khoa học ước tính khoảng 60% từ thức ăn động vật, 30% từ thức ăn thực vật, còn lại 10% từ nước uống và không khí.Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm trước sụn giáp, là nơi tổng hợp ra hormon tuyến giáp. Muốn tạo ra hormon tuyến giáp cần phải có I-ốt, nếu không có I-ốt thì không có hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp đảm bảo nhiều chức năng quan trọng của cơ thể:

          Hoàn chỉnh não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Phát triển trí thông minh, học giỏi, tiếp thu nhanh, nhớ lâu, nhanh nhẹn. Phát triển thể lực, phối hợp với các hormon tăng trưởng và các hormon khác kích thích quá trình phát triển xương, da và các bộ phận trong cơ thể làm cho cơ thể cao lớn, vạm vỡ, cường tráng.Tăng cường khả năng trí óc và chân tay. Hormon tuyến giáp có tác dụng đến sự phát triển của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương ở thời kỳ kỳ bào thai, sơ sinh, trẻ em. Nếu thiếu I-ốt tùy theo mức độ, thời gian mà gây nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng như: bướu cổ, đần độn, ở người lớn còn có sẩy thai, băng huyết, giảm trí nhớ… gọi chung là các rối loạn do thiếu I-ốt.

 

Các rối loạn thiếu I-ốt theo 4 giai đoạn của cuộc đời:

           Thời kỳ bào thai: Sẩy thai, thai chết lúc đẻ, tỷ lệ tử vong trước và sau khi sinh tăng, đần độn thể thần kinh, thiểu năng trí tuệ, điếc câm, liệt cứng hai chi dưới bẩm sinh, lác mắt, đần độn thể phù niêm, thiểu năng trí tuệ, lùn… Bằng chứng mới đây cho biết các hậu quả của sự thiếu hụt I-ốt trong thai nhi có thể đo mức T4 (hormon tuyến giáp) của mẹ giảm. Mức T4 của mẹ giảm xuống bao nhiêu thì đe doạ đến toàn vẹn của thai nhi bấy nhiêu.

Trẻ sơ sinh: Các khuyết tật tâm thần, vận động, bướu cổ sơ sinh, thiểu năng giáp sơ sinh.

Trẻ em và thiếu niên: Bướu cổ, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ giảm sút, cơ thể chậm phát triển.

Thiếu hụt iốt ở người lớn: Bướu cổ với các biến chứng, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ giảm sút, giảm sức lao động.

Thiếu I - Ốt là một trong những nguyên nhân hình thành bướu cổ.

Hiện nay vấn đề thiếu I-ốt là vấn đề toàn cầu. Liên hiệp quốc coi đó là nạn đói tiềm ẩn và đặt ra chương trình thanh toán các rối loạn do thiếu I-ốt, trên thế giới người ta áp dụng các biện pháp như: Muối I-ốt; các chế phẩm khác (trộn I-ốt vào bột canh, nước mắm, nước tương); dầu I-ốt (được sử dụng ở những vùng thiếu I-ốt nặng); nước I-ốt (cho I-ốt vào ngay tại nhà máy lọc nước hoặc cho I-ốt vào giếng nước); các biện pháp khác như cho I-ốt vào bánh mì, thịt hộp…

          Cách lựa chọn mua muối I-ốt: Để tránh không mua phải muối giả, không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Người sử dụng muối cần nắm rõ các lưu ý khi mua muối I-ốt: Bao muối đề ở ngoài là muối I-ốt; có hàm lượng  I-ốt cụ thể; có bao bì nguyên vẹn, muối khô, sạch, có đăng ký chất lượng rõ ràng.Bảo quản muối I-ốt cần: Để trong lọ có nắp đậy kín hoặc túi nilon buộc kín; để lọ, túi đựng muối I-ốt xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nguồn nhiệt; dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác.Muối I-ốt được dùng thường xuyên, liên tục; dùng như muối thường trong mọi hình thức nấu ăn chế biến cả khi muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị…xác định về tầm quan trọng của việc sử dụng muối I-ốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình hoặc trường học hay những nơi công cộng. Phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối I-ốt và chế phẩm có I ốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ toàn dân nhất là bà mẹ và trẻ em.

KA SUM ( Khoa TTGDSK)