ẢNH HƯỞNG VỚI NGƯỜI HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG

Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vào giữa thập niên 1980, chúng ta còn biết thêm rằng việc hút thuốc thụ động (do hít phải khói từ người hút thuốc) cũng gây tác hại rất lớn, thậm chí là lớn hơn hút chủ động. Tưởng chỉ có vậy, thế nhưng hóa ra việc hút thuốc thụ động còn một dạng khác nữa. Thế giới gọi đó là third-hand smoke (THS - tạm dịch: khói lần 3), nhằm ám chỉ dư lượng khói thuốc còn bám trên những đồ xung quanh: rèm cửa, thảm, nội thất, quần áo. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng dư lượng khói ấy hoàn toàn có thể tiếp tục làm hại con người. Theo đó, kể cả khi khói thuốc đã tan, lượng hóa chất còn tồn đọng - như nitrosamine - sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải. Nếu như được tích tụ qua thời gian, chúng hoàn toàn có thể gây ra một loại ung thư hoàn toàn mới. Một số chất gây ung thư tiêu biểu bao gồm CO, Formaldehyde, chì, arsen, benzen… Bạn có thể nhận ra những chất này trong các hóa chất ở thuốc tẩy rửa, diệt sâu bọ hoặc ướp xác. Khi chúng ta hút thuốc, chúng ta đã hít phần lớn các chất này vào theo khói thuốc, không chỉ người hút thuốc mà những người xung quanh, khi hít phải khói thuốc, cũng phải chịu ảnh hưởng tương tự. Khói thuốc, bao gồm các chất nói trên, khi bị hít vào sẽ tích tụ qua thời gian thành chất rắn trong đường hô hấp là hắc ín hay nhựa thuốc lá. Hắc ín có đặc điểm là dính và nhầy, khi phủ lên lớp lông mao của phổi sẽ làm giảm chức năng của lông mao (đẩy các dịch nhầy ra ngoài). Như vậy dịch nhầy từ khói thuốc, các chất có hại khác cũng dễ dàng xâm nhập cơ thể người hút thuốc qua đường hô hấp. Các chất từ khói thuốc còn có thể qua máu truyền tới các bộ phận khác trong cơ thể, do vậy người hút thuốc không chỉ bị bệnh hô hấp mà còn có nguy cơ về tim mạch, tiểu đường, răng lợi và thậm chí ảnh hưởng cả khả năng sinh sản. Dù nghiên cứu không thực hiện trên con người, nhưng chúng ta nên xác định rằng khách sạn, xe hơi, hay chính ngôi nhà, nhiều khả năng đang bị ám khói lần 3.Tại Mỹ, 5 người chết thì có 1 liên quan đến hút thuốc. Còn nói về hút thuốc thụ động, chúng ta có những thực tế đáng quan ngại hơn nữa, khi nó liên quan đến rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng cho cả trẻ em và người lớn.  

Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em: vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bất cứ sự ốm yếu của bào thai khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. Cân nặng khi sinh thấp: Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.

Viêm đường hô hấp cấp tính: Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính: Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ là ho nhiều, nhiều nước dãi hoặc đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên. Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác.

Bệnh tai giữa và cắt amidan do viêm: Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa bố mẹ hút thuốc và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính).

Các triệu chứng hen: Nguy cơ làm bệnh hen nặng hơn có quan hệ với số bố mẹ hút thuốc. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, thì khói thuốc thụ động sẽ làm người bệnh phát bệnh trầm trọng hơn và hay bị tái phát bệnh thường xuyên hơn. Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ và làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%. 

Sự phát triển chức năng phổi: Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với người lớn: Ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới hút thuốc lá là thói quen của nam giới, chính vì điều đó làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp.  Hút thuốc thụ động và bệnh ung thư: Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động và bệnh tim mạch: Hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.

Phụ nữ hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp. Ở Việt Nam, ung thư vú là bệnh phụ nữ hay gặp nhất trong các loại ung thư và có tới 50% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.  Mỗi năm Việt Nam có khoảng 12.500 phụ nữ mới mắc bệnh ung thư vú, chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới và nghiêm trọng hơn, độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ hóa. Theo Bộ Y tế, năm 2010 cả nước có 12.533 trường hợp mắc ung thư vú và ước tính đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 22.612 trường hợp. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp, nếu được phát hiện sớm sẽ mang lại nhiều cơ hội kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi tới hơn 80%; ở giai đoạn 2, tỉ lệ này là 60%; sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ nhằm để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn mà thôi. Mỗi năm có khoảng 4.500 trường hợp tử vong vì ung thư vú. Trong đó, hút thuốc lá thụ động cũng được xem là yếu tố gây ung thư vú. Việc hút thuốc lá (chủ động hay bị động) không phải là nguyên nhân chính yếu gây ung thư vú. Theo ước tính điều tra của Chương trình Phòng chống Thuốc lá Việt Nam hiện nay thì nước ta đã lọt top 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, với khoảng 47,5%, tức là cứ hai người đàn ông của gia đình Việt thì lại có một người đang hút thuốc và vô tình hại chính những người thân yêu nhất của mình. Các nhà khoa học ngày nay đã công nhận thói quen hút thuốc của đàn ông đang làm hại phụ nữ, tăng nguy cơ ung thư thậm chí đến 90% - và đó lại là những loại ung thư rất nguy hiểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc hút thuốc lá thụ động thường xuyên làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 27% so với những phụ nữ không chịu tác động của loại chất gây nghiện này.

Thái Tuyền – Ka Sum – CDC Lâm Đồng