Hút thuốc lá

 Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch

Thuốc lá vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người. Hút thuốc lá không những gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người vẫn hút thuốc lá và đây trở thành một thói quen khó bỏ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng hơn 70 hóa chất trong số này gây bệnh ung thư và nhiều chất gây ra những căn bệnh nguy hiểm điển hình như: Phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, vô sinh và nhiều bệnh nan y khác. Một số hóa chất điển hình có trong thuốc lá như: Nicotine, hắc ín, Benzene, Amonia, Formaldehyde, Polycilic Acromatic Hydrocarbon (PAH)… 

Nicotine - chất gây nghiện, hắc ín là thành phần phụ nguy hiểm nhất của thuốc lá gây ung thư. Benzene là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Amonia, một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Formaldehyde là dung dịch dùng trong ướp xác. Chất này kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá. Polycilic Acromatic Hydrocarbon (PAH) là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu Diezene và các sản phẩm đốt cháy khác.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, nữ 1,1%. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Đồng thời, theo kết quả khảo sát tại Bệnh viện K (Hà Nội) cho thấy, 90% ca ung thư phổi có hút thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút.

Người trực tiếp hút thuốc lá, hay còn gọi hút thuốc chủ động, nguy cơ cao mắc các bệnh nan y như ung thư, tim mạch, phổi… Tuy nhiên, đối với người không hút thuốc, hay gọi là hút thuốc thụ động, là hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra, cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân do khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất độc hại.

Phụ nữ và trẻ em là một trong hai đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Đối với phụ nữ khi mang thai, việc hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc đẻ non. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp ba lần so với phụ nữ không hút thuốc.

Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 đến 400 gram. Mặt khác, trẻ hút thuốc thụ động sẽ kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Do các tác hại nêu trên của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã lấy ngày 31-5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá; các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo kêu gọi: Hãy nói không với thuốc lá - Vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng.

Hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và những người xung quanh, là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên tăng huyết áp và các bệnh lý về tim mạch.

Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi, các bệnh phổi mạn tính, ngoài nguyên nhân gây các bệnh lý về hô hấp, hút thuốc lá còn tác động lên hệ tim mạch và là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch ngoại vi…

Mặt khác, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như dạ dày, đại tràng, khả năng hoạt động tình dục, tâm thần,… Vì những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và nhưng nhờ công tác tuyên truyền và các hoạt động xã hội khác nên hiện nay việc hút thuốc lá tại các nước phát triển đã giảm nhiều trong khi đó thì hút thuốc lá lại gia tăng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Khi hút thuốc lá làm tăng nồng độ chất Cathecholamine trong máu (đây là chất nội tiết có vai trò kích thích hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể) và tăng chất carbon monoxid. Các chất nay có thể làm khởi phát những cơn đau ngực hoặc làm nặng thêm các bệnh khác. Mặt khác, nồng độ Nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều hút lâu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Hút thuốc lá làm tăng nhanh quá trình vữa xơ động mạch, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tái biến mạch não, bệnh động mạch ngoại vi…   

Đối với những người hút thuốc lá thì việc bỏ hút thuốc có lợi ích như thế nào? Trong một tổng kết các nghiên cứu theo dõi lâu dài của việc bỏ hút thuốc so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc lá được đăng tải báo cáo sức khỏe của Hoa Kỳ năm 1995 qua 16 năm theo dõi cho thấy những người bỏ hút thuốc lá đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mawchj của họ một cách đáng kể so với người tiếp tục hút. Đặc biệt nguy cơ này giảm chỉ còn 1,3 so với 2,0 lần ở người hút thuốc lá nhiều đã bỏ so với những người không bỏ hút thuốc lá. Bên cạnh đó, việc bỏ hút thuốc lá ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau một cách rất rõ ràng. Còn đối với người đã bị tim mạch thì việc bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh.

Bên cạnh đó, người hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nơi công cộng…, những người bị ảnh hưởng này gọi là hút thuốc lá bị động. Khi hút thuốc các chất độc không phải là được đốt cháy toàn bộ, hơn nữa khói thuốc lá sẽ phát tán các chất độc như carbon monoxid, nocotine… Chất cotinine, một chất chuyển hóa của nicotine có thể qua rau thai dễ dàng gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ có hút thuốc lá. Những đứa trẻ mà có bố mẹ hút thuốc lá dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp hơn. Phụ nữ hút thuốc lá mang thai dễ bị xảy thai, đẻ non hoặc trẻ đẻ thiếu cân. Nhiều nghiên cứu cho thấy hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ - hoặc chết trong nôi (SIDS) xảy ra nhiều hơn ở trẻ có mẹ hút thuốc khi mang thai.

Trước đây, nhiều nghiên cứu mới chỉ đề cập đến khả năng có thể gây ung thư phổi cao hơn ở những người hút thuốc bị động. Tuy nhiên, những nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng hút thuốc lá bị động cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch đáng kể (tới 30% so với người không tiếp xúc với người hút thuốc). Trong số đó, hút thuốc lá bị động ở công sở cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 4 lần và nếu ở gia đình thì còn làm tăng lên nhiều nữa.

Nahria Ka Sum - CDC Lâm Đồng