TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

 

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các công nhân (vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Shinwwon Ebenezer tại tỉnh Vĩnh Phúc với hơn 350 ca mắc, vụ nghi ngộ thực phẩm tại Công ty TNHH Dechang tại khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai với gần 100 ca mắc, …).

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm ngày 20/5/2024 Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành văn bản số 1417/BCĐLNVSATTP đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:

 Đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn khẩn số 1239/BCĐLNVSATTP ngày 04/5/2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.

 Sở Y tế tăng cường công tác quản lý đối với các bếp ăn tập thể theo phân cấp; Rà soát, cập nhật danh sách các bếp ăn tập thể quản lý trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể. Chú trọng trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện rửa tay, ăn chín, uống chín, uống đủ nước, vệ sinh môi trường; chú ý đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm; Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; Xử lý kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực thực phẩm theo phân công, phân cấp; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm đối với các nhóm mặt hàng thuộc quản lý. Chú trọng trong việc tuyên truyền người dân biết lựa chọn, sử dụng các thực phẩm tươi sống, rượu, bia an toàn; Khuyến cáo, tuyên truyền người dân trong việc nhận biết, không sử dụng các sản phẩm động vật, thực vật có độc tố trong tự nhiên như nấm độc, cà độc dược, thịt cóc…; Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn và thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Sở, ngành đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học trên địa bàn tỉnh; Đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học; Chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện/ thành phố chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện/ thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn: Tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường học; Đặc biệt các trường học có tổ chức bếp ăn tập thể trong trường; Tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong trường học, các cơ sở cung cấp thực phẩm và kinh doanh thực phẩm ngoài cổng trường học.

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực thực phẩm  theo phân công, phân cấp; Tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết, không sử dụng các sản phẩm động vật, thực vật có độc tố trong tự nhiên như nấm độc, cà độc dược, thịt cóc… Thông tin, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống ngộ độc do nấm đến tận hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng; Kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân khi không may ăn phải nấm độc sau đó xuất hiện các triệu chứng như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, co giật... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm tại các bếp ăn tập thể trong trường học. Chú trọng trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; Thực hiện rửa tay, ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường; chú ý đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn/ Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các xã, phường, thị trấn khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin, thông qua các cuộc họp của thôn, tổ dân phố về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn theo các nội dung trên; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng các trường học.

Nguyễn Thơm – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)