Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo tăng cường phòng chống Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và rất dễ lây lan. Bên cạnh điều trị y tế (nếu cần), việc điều trị tay chân miệng tại nhà đúng cách tại nhà có vai trò rất quan trọng để giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh hơn. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nhưng vẫn có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành. Trong đó 2 thời điểm bùng phát dịch được ghi nhận là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Theo thống kê từ WHO, hàng năm có khoảng 50. 000 đến 100. 000 ca bị tay chân miệng được ghi nhận ở nước ta. Đặc biệt, phía Nam là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất và chiếm hơn 60% các trường hợp trong cả nước.

          Theo báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam từ đầu năm 2022 đến tuần 36, ghi nhận 41.434 ca bệnh tay chân miệng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 02 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bến Tre. Tại tỉnh Lâm Đồng đến hết tuần 37, đã ghi nhận 320 ca tay chân miệng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Để chủ động kiểm soát và hạn chế dịch bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rộng vào thời điểm đỉnh dịch hàng năm, mùa tựu trường năm học mới. Ngày 21/9/2022, Sở Y tế ban hành văn bản số 2495/SYT-NVY về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

Trung tâm Y tế các huyện/thành phố: Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện/thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, huy động quần chúng nhân dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, xử lý kịp thời theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ công nhân có đông trẻ em. Triển khai mạnh mẽ hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để đốc thúc công tác phòng chống dịch, kiểm tra công tác giám sát bệnh, vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo và các hộ trông trẻ tại gia đình.Tăng cường triển khai mạnh mẽ hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng đến người dân trong cộng đồng.

 

 

Khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu cho trẻ

 

Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin phòng chống bệnh tay chân miệng nên cần đảm bảo những nguyên tắc phòng bệnh tay chân miệng như sau: Rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; Không để trẻ ngậm tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Cloramin B 2%; Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát; Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch Cloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Cloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ; Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 Ngoài chăm sóc đúng cách, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bé và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các biến chứng bất thường.                          Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)