Món ăn bài thuốc từ sắn dây tốt cho người bệnh sốt xuất huyết

Hầu như năm nào sốt xuất huyết cũng là gánh nặng của xã hội, chúng ta có các phương pháp phòng tránh, giúp giảm thiểu bệnh và chống biến chứng nặng lên của bệnh. Các phương pháp trong đó có món ăn bài thuốc tăng cường miễn dịch và hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết thể nhẹ độ 1,2 tỏ ra có hiệu quả nhiều trong thực tế.

Vị thuốc cát căn có hiệu quả đối với bệnh sốt xuất huyết

Cát căn là củ sắn dây mà nhân gian hay dùng, củ dùng tươi hoặc khô, có thể nghiền ra lọc thành bột dùng dần.

Tính vị quy kinh: Vị ngọt cay, tính mát, quy kinh phế, tỳ, vị.

Công năng: Giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát, thấu ban chẩn, ích khí thăng để chỉ tả.

Chủ trị các chứng sốt, mất nước, đặc biệt chứng sốt xuất huyết, cát căn làm cho thoái nhiệt, sinh tân tiêu khát và còn chữa chứng giải cơ, chữa đau mỏi các khớp, cơ bắp do sốt xuất huyết gây ra.

Cát căn - vị thuốc tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, sốt xuất huyết còn tấn công vào hạch tiêu hóa gây nên chứng đi ngoài lỏng, phân nước có nhầy mũi, vị thuốc này đặc biệt tốt trong trường hợp này.

Ngoài công dụng trên cát căn còn có tác dụng giải cơ, thúc đẩy các ban chẩn mọc trị được độc tố từ bên trong, ngăn ngừa biến chứng của bệnh sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa

Theo Y học cổ truyền sốt xuất huyết được nêu trong chứng ôn bệnh, nó là độc dịch lây lan qua côn trùng tiết túc, cũng chia theo kinh lạc và bệnh lý truyền kinh, tuân thủ theo các nguyên tắc gây bệnh, chúng ta có thể đi trước đón đầu trị bệnh khi bệnh chưa kịp sinh ra hoặc mới mắc phải, tránh cho bệnh truyền kinh gây nặng nề thêm.

Món ăn bài thuốc từ cát căn tăng sức đề kháng cho người bệnh sốt xuất huyết: Nước sắn dây pha với nước cốt chanh tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

* Nước sắn dây nước cốt chanh

Nguyên liệu: Bột sắn dây 30g, đường trắng 30g, nước vừa đủ 300ml, sau khi khấy đều cho tan bột sắn dây với đường trắng vắt 10 giọt nước cốt chanh khấy đều uống. Ngày uống 1-3 lần tùy mức độ và nhu cầu.

Tác dụng: Cát căn có tác dụng rất tốt đối với người bệnh sốt xuất huyết như đã nêu trên, nước chanh có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Hỗn hợp này giúp người bệnh thoái nhiệt, phòng tránh đau mỏi cơ bắp, ngăn ngừa biến chứng của bệnh.

Lưu ý: Với người bệnh đái tháo đường thì không cho đường hoặc cho rất ít.

* Chè sắn dây củ mài

Nguyên liệu: Bột sắn dây 100g, bột củ mài 100g, đường kính 150g, nước lọc 1lít.

Cách làm: Cho nước và đường đun sôi, bột sắn dây và bột củ mài cho vào bát cho ít nước nguội khấy tan rồi đổ vào nồi nước đường đun và khấy liên tục, cho đến khi tạo thành hỗn dịch keo như thạch thì đổ ra bát để nguội rồi ăn.

Chú ý bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn nguội, không ăn nóng.

Tác dụng: Tăng cường miễn dịch, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng, kiện tỳ vị, bổ khí, chữa mệt mỏi, đau nhức các khớp.

*Ngó sen có tác dụng cầm huyết tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.

 Canh cát căn ngó sen

Thành phần gồm: Củ sắn dây 50g cắt khúc nhỏ hoặc thái mỏng từng lát, ngó sen 100g thái nhỏ từng lát, đường thốt nốt 50g, đậu xanh không vỏ 30g, thịt nạc băm nhỏ 50g, tất cả cho vào nấu canh, có thể thay đường thốt nốt bằng bột canh nếu không thích ăn ngọt.

Tác dụng: Chữa đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cơ thể, chống đau nhức các khớp. Nâng cao thể trạng, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời giảm áp lực về thần kinh do bệnh sốt xuất huyết. Ngó sen có tác dụng cầm huyết chỉ huyết do vậy có lợi cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Ngoài việc dùng món ăn bài thuốc từ cát căn nêu trên, để tăng sức đề kháng người bệnh sốt xuất huyết cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng. Các thực phẩm người bệnh nên dùng như cháo, súp, rau xanh, hoa quả tươi, nước dừa, thực phẩm giàu protein, tỏi… 

Cũng như cần tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước uống có ga, nước ngọt, đồ uống có chứa caffeine, thực phẩm có màu đen, đỏ hoặc màu sẫm như tiết, củ dền, thanh long đỏ vì trong bệnh cảnh sốt xuất huyết có xuất huyết tiêu hóa khi ăn các thực phẩm này sẽ khó phân biệt có xuất huyết hay không…

                                   Thái Tuyền (Theo Báo Sức khỏe đời sống)