NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CẤM HÚT THUỐC LÁ TỪ NGÀY 01/8/2023

 

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được triển khai thực hiện từ năm 2013, tuy nhiên việc chấp hành các quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng chưa được thực hiện triệt để, chủ yếu do ý thức của người dân chưa cao và các chế tài xử phạt chưa phát huy hiệu lực.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành là quan trọng hơn cả. Cùng với quy định địa điểm không hút thuốc lá, Bộ Y tế có thêm giải thưởng “Môi trường không thuốc lá” trao tặng đơn vị, cá nhân có địa điểm cấm hút thuốc lá đạt tiêu chuẩn. Đây là cách khuyến khích các cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, từ đó tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở những đối tượng hút thuốc ở nơi bị cấm.

Việc quy định địa điểm không được hút thuốc là rất cần thiết, bởi tác hại của khói thuốc lá vô cùng to lớn. Theo các báo cáo khoa học, khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư và nhiều chất gây ra các bệnh nguy hiểm khác. Ước tính khoảng 7,5 triệu người Việt Nam chết sớm do hút thuốc lá. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động, người hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc do người khác hút) cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm. Hút thuốc lá cũng gây ra tổn thất to lớn về kinh tế do gia tăng chi phí chăm sóc y tế đối với người mắc bệnh do khói thuốc lá (ước tính trên toàn thế giới, mỗi năm, thiệt hại do sử dụng thuốc lá lên tới 500 tỷ USD).

Giám sát hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá

tại Bệnh viện Phục Hồi Chức Năng Lâm Đồng

Chuyên gia của WHO cho rằng Việt Nam cần theo điều 8 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc lá, bởi không có một mức phơi nhiễm nào là an toàn. Việc thực thi này nên được thực hiện toàn diện tại: Nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng… và cần có quy định bắt buộc bởi việc để tự nguyện sẽ không hiệu quả, có sự giám sát và đánh giá thực hiện.

Ngày 11/5/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2023/TT-BYT về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá. Trong đó quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá từ ngày 01/8/2023 như sau:

THEO ĐÓ, 04 NHÓM ĐỊA ĐIỂM CẤM HÚT THUỐC LÁ, BAO GỒM:

1. Các địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em và Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP .

2. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà:

- Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và 5 Điều 1 Thông tư 11/2023/TT-BYT;

- Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: Cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo… trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và 5 Điều 1 Thông tư 11/2023/TT-BYT.

3. Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

- Ô tô;

- Tàu bay;

- Tàu điện.

4. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

- Khu vực cách ly của sân bay;

- Quán bar, quán karaoke, vũ trường;

- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;

- Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI TẤT CẢ ĐỊA ĐIỂM CẤM HÚT THUỐC LÁ NHƯ SAU:

1. Có đặt, in, bố trí (sau đây gọi chung là đặt) biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá (sau đây gọi chung là biển).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu số 1 và mẫu số 2 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 11/2023/TT-BYT .

3. Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn;

- Chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài;

- Kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền;

- Biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.

4. Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm;

- Đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.

5. Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Thông tư 11/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)