MỐI NGUY MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG - HIỂM HỌA BỆNH NGHỀ NGHIỆP

 

Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường y tế, trong môi trường lao động tỉ lệ các yếu tố có hại vượt tiêu chuẩn cho phép được ghi nhận: phóng xạ, điện từ trường (23,25%), tiếng ồn (16,53%), ánh sáng (12,4%), vi khí hậu (8,6%), bụi (5,95%), các yếu tố có hại khác như: yếu tố tâm sinh lý, ecgonomy, tác nhân sinh học, dung môi các chất gây ung thư và nhiều loại hoá chất gây hại cho sức khoẻ… Tác động từ những tác nhân trong môi trường lao động đó, số trường hợp giám định bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2018 là 29.725 trường hợp, trong đó 03 bệnh nghề nghiệp có số mắc cao nhất bao gồm: bệnh bụi phổi Silic 72,18%, bệnh điếc nghề nghiệp 17,84% và bệnh da nghề nghiệp 2,18%. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 5000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện/1-2 trăm ngàn người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, trong đó chỉ chỉ 10% số mắc được giám định. Việt Nam hiện đang có 35 bệnh nghề nghiệp được chi trả bảo hiểm, trong đó có 10 bệnh  do yếu tố hoá học, 06 bệnh do yếu tố vật lý; 06 bệnh do tiếp xúc với bụi; 06 bệnh do vi sinh vật và 07 bệnh do nguyên nhân hỗn hợp. Để chẩn đoán bệnh nghề nghiệp trước hết phải dựa vào yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp - phải xem người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại gì, mức độ và thời gian tiếp xúc ra sao – những yếu tố này được thực hiện và xác định trong hoạt động quan trắc môi trường lao động định kì hàng năm của cơ sở lao động. Nên yếu tố có hại không được quan trắc, không được xác định đúng, đo đạc không đúng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thực tế này đang xảy ra tại 1 công ty sản xuất bột đá tại Nghệ An gần đây đã được các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin khi 6/28 người lao động trực tiếp trong cơ sở lao động đã tử vong do bị bênh bụi phổi, tuy nhiên kết quả quan trắc môi trường lao động chỉ ghi nhận 18 mẫu không đạt tiêu chuẩn, gồm 03 mẫu về ánh sáng và 15 mẫu về tiếng ồn (không có mẫu không đạt về yếu tố bụi). Ngoài việc gây khó khăn cho quá trình giám định thì các vấn đề liên quan pháp lý cũng sẽ được xem xét khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy bảo vệ sức khoẻ cho người lao động và lợi ích chính đáng cho chính người sử dụng lao động thì việc xem xét lựa chọn tổ chức thực hiện đảm bảo uy tín, năng lực là cần thiết.

“Các cơ sở công lập có xu hướng đáp ứng tốt hơn về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị so với các cơ sở tư nhân”- Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế tại Hội nghị tập huấn của ngành vào tháng 11 năm 2023 tổ chức tại Cần Thơ.

Tổ chức đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động và phòng khám bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng – Sở Y tế là cơ sở công lập có tên trong danh sách 222 tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ quan môi trường lao động (gọi là các tổ chức đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động) và 114 phòng khám được cấp phép cung cấp dịch vụ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (gọi là phòng khám bệnh nghề nghiệp). Được sự quan tâm của các cấp bộ ngành, UBND tỉnh và các sở ban ngành, Sở Y tế Lâm Đồng đã thực hiện triển khai đầu tư trang thiết bị, máy móc nâng cao năng lực của tổ chức quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Lâm Đồng – Sở Y tế phục vụ công cuộc bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động tiến đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp của tỉnh, định hướng tác động cải thiện môi trường lao động đảm bảo sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đảm bảo nguồn lao động bền vững.

Môi trường lao động bị ô nhiễm bụi

 

 

                                                 CKI.YTCC Phạm Thị Quỳnh- Khoa SKMT-YTTH-BNN (CDC Lâm Đồng)