MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ SỨC KHOẺ NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Xung quanh cuộc sống của chúng ta tồn tại nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng các yếu tố phát sinh trong môi trường lao động (MTLĐ) rất cần phải lưu tâm. Chính vì vậy mà từ năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã chính thức lấy tháng 5 là tháng hành động về ATVSLĐ thay cho tuần lễ ATVSLĐ (01 tuần trong tháng 3) các năm trước đó. Đồng thời xác định ATVSLĐ không chỉ là nhiệm vụ của riêng một bộ ngành cụ thể mà cần thiết phải có sự chung tay của các cấp, các ngành. Với mục đích thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ, ngày 27 tháng 4 năm 2023 nhằm đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống TNLĐ- BNN, tại Hà Nội Chính phủ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề  “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.- Nguồn: Báo Lao động.

 

Hưởng ứng lễ phát động của Chính phủ, ngày 05/5 tại khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh Lâm Đồng (ATVSLĐ) phối hợp với Liên đoàn Lao động tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và “Tháng Công nhân” năm 2023 trên địa bàn với sự tham gia của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành ở địa phương, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và hơn 500 công nhân lao động (CNLĐ). Nhân dịp này, UBND tỉnh trao tặng bằng khen cho 09 tập thể và 03 cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích trong công tác ATVSLĐ năm 2022. LĐLĐ tỉnh cũng trao tặng 02 nhà “Mái ấm Công đoàn” trị giá 50 triệu đồng/căn cho 02 đoàn viên, NLĐ và tặng quà cho 30 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi xuất quà trị giá 500 ngàn đồng. (Nguồn Báo Lao động)

Lễ phát động “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động” và “Tháng Công nhân” năm 2023 tại Huyện Đức Trọng – Lâm Đồng

Đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho người lao động (NLĐ) là đảm bảo nguồn lực hướng tới xây dựng một nền sản xuất bền vững. Vì vậy người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chủ động thực hiện việc kiểm soát các yếu nguy cơ khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh; Định kỳ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (ít nhất 01 lần trong một năm); Khi thay đổi về nguyên vật liệu, công nghệ, tổ chức sản xuất, khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng. Đồng thời thực hiện việc theo dõi, quản lý sức khoẻ NLĐ trong suốt quá trình làm việc, thông qua việc tổ chức khám tuyển, khám sức khoẻ trước khi bố trí công việc, khám sức khoẻ định kì, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, khám định kì bệnh nghề nghiệp, điều trị và phục hồi chức năng cho NLĐ. Ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc, giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy cơ bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật (như che chắn, cách ly, nối đất…), các biện pháp tổ chức (như phân công lao động, tổ chức thười giờ làm việc, nghỉ ngơi hợp lí…), hành chính (như thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động…), chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động…

Về phía NLĐ, bản thân NLĐ phải chủ động thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn, nghiêm túc tham gia học tập, huấn luyện kiến thức về ATVSLĐ và các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp phòng vệ các nhân khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ… đồng thời cần chủ động học tập, tìm hiểu nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng nhận diện các yếu tố nguy cơ có thể phát sinh tại vị trí lao động của mình, cho ý kiến đề xuất và góp phần thực hiện kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố không tốt, gây ảnh hưởng, làm suy giảm sức khoẻ, nặng hơn gây bênh tật, chấn thương, tai nạn cho NLĐ gọi chung là yếu tố nguy cơ. Trong MTLĐ tồn tại các yếu tố nguy cơ như yếu tố gây chấn thương, tai nạn như: nguồn điện, nguồn nhiệt, sự văng bắn, nổ, đổ, sập, trơn trượt…và yếu tố gây suy giảm sức khoẻ như: yếu tố vật lý (tiếng ồn, ánh sáng, rung…), yếu tố hoá học, yếu tố sinh học…Khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong MTLĐ, NLĐ có thể bị ảnh hưởng tới sức khoẻ ở nhiều mức độ khác nhau: Ảnh hưởng cấp tính như chấn thương các bộ phận cơ thể do văng bắn, đổ, sập, ngã, bỏng do hoá chất, điện, nhiệt, bức xạ, ngạt/ nhiễm độc do các hơi khí , thậm chí có thể tử vong; Ảnh hưởng mãn tính: gây bệnh ở các cơ quan bộ phận cơ thể như hô hấp, tim mạch, tiêu hoá, tiết niệu, da… gây các bệnh nghề nghiệp; Biến đổi thần kinh tâm lý/sinh hoá của cơ thể, gây suy giảm sức khoẻ do áp lực công việc, tiếp xúc hoá chất, tiếng ồn…có thể gây rối loạn thàn kinh trung ương và thực vật: đau đầu, mất ngủ, chán ăn, dễ cáu gắt… tiếp xúc với hoá chất, phóng xạ có thể gây biến đổi ở máu, xương, tế bào…Mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chất tiếp xúc: độc tính, đặc tính lý hoá; Nồng độ tiếp xúc: nồng độ càng cao thì nguy cơ càng lớn; Thời gian tiếp xúc: thời gian càng dài thì nguy cơ càng lớn. Thông thường thì tiếp xúc trong thời gian ngắn và nồng độ cao sẽ gây ảnh hưởng cấp tính, tiếp xúc thời gian dài nhưng nồng thấp thì có thể cơ thể thích nghi hoặc tích luỹ với khối lượng lớn gây ảnh hưởng mãn tính. Khả năng đáp ứng của từng cá thể là khác nhau khi tiếp xúc với chất độc hại. tiếp xúc với cùng một lượng chất độc hại trong cùng một thời gian có người bị ảnh hưởng trầm trọng, người khác thì lại bị ảnh hưởng nhẹ, lại có người không ảnh hưởng. điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, tỉnh trạng sức khoẻ…phụ nữ và phụ nữ mang thai thường mẫn cảm hơn khi tiếp xúc với các yếu tố.

Quan trọng là phòng ngừa! Nên nhận diện và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, kịp thời có các biện pháp ngăn ngừa sẽ bảo vệ được sức khoẻ người lao động. Phạm Thị Quỳnh - CDC Lâm Đồng (Khoa SKMT-YTTH-BNN)