Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng    

Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.

Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường là 1 hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, cùng với nó là các tính chất vật lý, sinh học, hóa học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe của con người và các sinh vật khác trong tự nhiên. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do hoạt động xả thải từ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người gây ra.

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường

Trong cuộc sống không ngừng phát triển hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối đối với nhà nhà, người người. Không riêng gì tại Việt Nam, tại mỗi quốc gia, mỗi nước, mỗi địa phương đều xảy ra tình trang ô nhiễm. Trong đó có các nguyên nhân chính sau: chặt phá rừng; các chất khí thải độc hại từ nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, sinh học; các loại hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, diệt rầy...; các chất thải rắn trực tiếp thải ra môi trường; bụi bẩn, khói từ xe cộ, các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy hay đường hàng không;… Các hiện tượng như động đất, sóng thần, bão lũ, vòi rồng,... làm biến đổi các tính chất và thay đổi cấu trúc của đất, từ đó dẫn tới nhiều hiện tượng ô nhiễm môi trường nói chung.

Tác hại của ô nhiễm môi trường 

Sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thấy rõ hơn và mạnh hơn bao giờ hết. Nó không chỉ ảnh hưởng gián tiếp tới thiên nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Các thành phần môi trường như đất, nước, không khí khi bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người khác nhau.

Ô nhiễm môi trường nước: khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị nhiễm chì, mắc các bệnh về thận, thần kinh, cơ thể thiếu sức sống; nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch; nhiễm Cadimi (kim loại) có thể gây đau lưng, thoái hóa cột sống; nhiễm độc các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác nôn ói hoặc ngộ độc. Theo thống kế của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.

 

Tác động của ô nhiễm nguồn nước lên con người

Ô nhiễm không khí:

- Ô nhiễm môi trường không khí có thể sẽ giết chết nhiều sinh vật sống, trong đó có cả con người, gây nên các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, đau tức ngực,…

- Sóng nhiệt hoặc tiếng ồn gây ra các triệu chứng đau đầu, stress, căng thẳng,…

- Nhiệt độ không khí quá cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị đột quỵ, sốc nhiệt, thậm chí tử vong.

- Khói bụi lẫn trong sương sẽ làm giảm việc hấp thụ ánh sáng mặt trời của cây xanh.

- Lưu huỳnh dioxit và các oxit nito có thể tạo nên các cơn mưa axit, hạ thấp nồng độ pH của đất khiến nó trở nên khô cằn, thiếu dưỡng chất để trồng trọt.

- Khí cacbonic từ phương tiện giao thông, nhà máy,…sẽ làm trái đất nóng lên, gây hiệu ứng nhà kính và tăng kích thước lỗ thủng tầng ozon.

Ô nhiễm môi trường đất: tùy thuộc vào từng chất gây ô nhiễm đất, con người có thể mắc phải các bệnh lý như: ung thư, tổn thương thận, nhiễm độc gan,…

Ô nhiễm môi trường nếu không có những biện pháp xử lý nhanh chóng và kịp thời thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm, nặng nề. Nếu không nâng cao ý thức và sự trách nhiệm ngay từ bây giờ thì môi trường sống sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Một số giải pháp mà chúng ta có thể áp dụng để cải thiện chất lượng môi trường như:

  • Vứt rác đúng nơi quy định, phân loại và xử lý rác thải trước khi xả ra bên ngoài môi trường.
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, chuyển dịch xu hướng sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, dễ phân hủy, Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
  • Không sử dụng các hóa chất tẩy rửa có nồng độ mạnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong trồng trọt.
  • Tích cực dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và khu vực sinh sống. Trồng thêm cây xanh, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc.
  • Nâng cao ý thức và tuyên truyền ý bảo vệ môi trường cho người dân.
  • Xử lý triệt để các hành vi xả thải chưa qua xử lý ra bên ngoài môi trường. Đặc biệt là ở các khu vực nhà máy sản xuất, xí nghiệp,...

Ô nhiễm môi trường là một thực trạng cấp bách ở trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Để môi trường được cải thiện, mỗi người trong chúng ta cần phải nâng cao ý thức và sự trách nhiệm hơn nữa.

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoàng Thị Phương Uyên - CDC Lâm Đồng