CHỦ ĐỘNG, SẴN SÀNG ỨNG PHÓ CƠN BÃO SỐ 3 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Thực hiện Công điện số 7479/CĐ-UBND ngày 05/97/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chủ động, sẵn sàng ứng phó cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Công điện số 1101/CĐ-BYT ngày 05/9/2024 của Bộ Y tế về việc chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 3 và mưa lũ; Sở Y tế Lâm Đồng có văn bản đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Đối với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
1. Giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc trách nhiệm được giao; chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Sở Y tế trong thời gian vừa qua.
2. Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nguy hiểm, thiên tai để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất.
3. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần; duy trì nhiều hình thức thông tin liên lạc không để xảy ra mất liên lạc trong thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão; Ban Chỉ huy và lực lượng thường trực tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị tổ chức thường trực 24/24 giờ, bổ sung dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế) sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống; tu sửa kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.
4. Triển khai các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
5. Rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án, nhà, đất do đơn vị quản lý để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình. Đối với các công trình đang thi công, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành công trình, dự án; đối với các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn, yêu cầu nhà thầu thi công phải lập hàng rào che chắn, có biện pháp neo giữ, gia cố dàn giáo thi công, máy móc và các thiết bị thi công trước khi có gió bão; đối với nhà tạm, lán trại trên công trường kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với nhà tạm, lán trại trên công trường trong quá trình thi công.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh
1. Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
2. Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa bão lũ.
3. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, nhất là bệnh sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
4. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
5. Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
6. Tổ chức các đoàn công tác của đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân. Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.
7. Triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa bão lũ:
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của Bộ Y tế (tham khảo tài liệu phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt gửi kèm theo Công văn số 7534/BYT-DP ngày 20/11/2023 của Bộ Y tế).
- Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang
thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.
* Khi có bão, lũ xảy ra:
- Tổ chức các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.
- Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.
- Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe; tăng cường các biện pháp khử khuẩn, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
- Tổ chức hướng dẫn các đơn vị y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập lụt.
* Sau khi có bão, lũ xảy ra:
- Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Nguyễn Bình - Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)