THỰC HIỆN VỆ SINH CÁ NHÂN, MÔI TRƯỜNG VÀ SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE

Nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là 3 thành tố quan trọng để thực hành vệ sinh, bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, chú trọng vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là những công việc cần thực hiện thường xuyên và liên tục.

 

 

Ảnh hưởng của nước sạch đối với sức khỏe

 Nước sạch sử dụng trong sinh hoạt là nước đã qua xử lý, có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người. Thiếu nước sạch hoặc nguồn nước sạch bị ô nhiễm và các thói quen vệ sinh chưa đúng sẽ làm phát sinh và lây truyền bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu sử dụng nguồn nước không đảm bảo, có nhiễm các vi sinh vật sẽ gây bệnh qua đường tiêu hóa như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng, viêm gan A… hoặc nhiễm các loại giun, sán, gây ra thiếu máu, suy dinh dưỡng; mắc các bệnh về da, mắt, bệnh phụ khoa... Nguồn nước từ sông hồ thường có các độc chất như thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nhiễm độc. Sử dụng nước không sạch gây nhiều bệnh cho con người, trẻ em nếu mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập; Một số bệnh nặng như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn... có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh thì gia đình phải tốn tiền điều trị và thời gian để chăm sóc. Ngoài ra, người lớn mắc bệnh ảnh hưởng đến năng suất lao động và kinh tế của gia đình.

Tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường

Để nhận biết nguồn nước sạch sử dụng thì nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh; Đồng thời phải biết được nguồn của nước là nước máy, nước giếng, nước mưa hay nước đã qua xử lý. Hiện nay, nước máy là nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn và được khuyến cáo sử dụng.

Tuy nhiên, nước máy lại tập trung nhiều ở thành thị. Còn ở vùng nông thôn, vùng xa khu dân cư, các hộ gia đình có thể lựa chọn các nguồn nước như: nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa... Giếng khoan, giếng đào phải nằm cách xa nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10 mét; sân giếng phải được xây bằng gạch, đá, đổ bê tông, không bị nứt để tránh nước đã qua sử dụng ngấm trực tiếp ngay xuống giếng. Nước mưa được thu hứng sau khi bắt đầu mưa khoảng 30 phút. Nước mưa thu hứng từ mái fibro- xi măng có chất amiăng có thể gây ung thư, khuyến cáo không được dùng, và không được xếp vào loại nước sạch.

Biện pháp xử lý nước đơn giản như: Làm trong nước phèn chua hoặc vải lọc; Khử khuẩn nước bằng viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg, đun sôi nước, sử dụng các thiết bị lọc nước.

 Để có nước sạch sử dụng lâu dài, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên nước. Bắt đầu từ những hành động tiết kiệm nước sạch như: không lạm dụng việc xả bồn cầu trong nhà vệ sinh, hãy tắt vòi nước khi đang đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây… Bên cạnh đó, mỗi người dân cần ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không sử dụng nhà tiêu ao cá...  

Tăng cường vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nhà, có thói quen tốt như rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chăm sóc trẻ, người bệnh. Biết sử dụng và tiết kiệm nước sạch trong chế biến, sinh hoạt, vệ sinh môi trường

Hoàng Uyên – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)