GIÚP TRẺ ĐƯỢC AN TOÀN TRONG MÙA TỰU TRƯỜNG

 

Mùa tựu trường là khoảng thời gian trẻ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, cúm, sởi,... Ngoài tiêm ngừa đầy đủ, phụ huynh nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi, vận động để giúp trẻ khỏe mạnh hơn trước thềm năm học mới.  

 Mùa tựu trường rơi vào mùa mưa, có tính chất tập trung và thay đổi nếp sinh hoạt, ăn uống của trẻ. Những yếu tố này kết hợp sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh hơn, nhất là các bệnh lý hô hấp. Bên cạnh đó, nếp sinh hoạt bị xáo trộn có thể dẫn đến việc sức đề kháng của trẻ bị giảm đi. Ngủ không đủ giấc, không uống đủ nước, thời gian tập luyện không nhiều khiến trẻ dễ bị sốt siêu vi. Trong môi trường lớp học, một trẻ bị sốt siêu vi có thể lây cho những trẻ khác.

Khi đi học, trẻ thường ăn quà vặt, ăn các món ăn được bán ngoài hàng quán, đôi khi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dẫn đến các bệnh lý tiêu hóa. Các vũng nước đọng trong khuôn viên trường học là yếu tố thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, từ đó lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Những căn bệnh dễ lây nhiễm giữa các trẻ trong phạm vi trường học, lớp học là các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm cảm sốt siêu vi, bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm virus...

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa tựu trường, phụ huynh phải giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, nhất là các bạn nhỏ mới vào mẫu giáo hoặc vào cấp 1. Theo đó, phụ huynh nên có sự chuẩn bị từ trước, đưa trẻ vào nề nếp trước ngày tựu trường khoảng 1 tuần. Khi bắt đầu đi học, trẻ cần được rèn thói quen ngủ sớm, dậy sớm, uống đủ nước. Cha mẹ nên chọn các hàng quán có đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để mua thức ăn cho trẻ. Một điều quan trọng là trẻ phải có thời gian tập luyện, vận động để tăng cường sức khỏe. Khi trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh hô hấp thì cần phải đeo khẩu trang khi đến trường để tránh lây cho những bạn khác.

Trẻ bị bệnh nhẹ, khả năng lây nhiễm thấp chỉ cần mang khẩu trang khi đến lớp.  Trừ khi trẻ bị tay chân miệng, thủy đậu, sởi…

          Phải tập cho trẻ có thói quen rửa tay sạch sẽ, rửa tay trước khi đi học, khi đến trường, lúc tan học và khi về đến nhà. Bên cạnh đó, trẻ phải ngủ đủ và đúng giấc. Trẻ cũng cần uống đủ nước và đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn. Bữa sáng là nguồn cung cấp năng lượng rất quan trọng, không thể bỏ qua. Trẻ phải uống đủ nước và rau xanh, trái cây tươi. Khi vào năm học, trẻ thường phải ăn vội và nhiều trẻ không thích ăn rau. Do đó, phụ huynh cần chú ý để bổ sung đủ cho con. Nếu trẻ không ăn uống được nhiều, có thể sẽ cần phải bổ sung đa sinh tố. Một số trẻ có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, phụ huynh nên đưa con đi khám để được hướng dẫn bổ sung sắt.

Phụ huynh lưu ý việc tiêm ngừa cho trẻ, trước hết là các loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong môi trường học đường, một số bệnh có nguy cơ lây lan như Rubella, thủy đậu, cúm...

Một số vắc xin cần được nhắc lại đúng lịch như bạch hầu, uốn ván, ho gà... Khi trẻ hòa nhập vào môi trường, tiếp xúc với bạn bè, có nguy cơ cao mắc phải các bệnh này hơn ở nhà. Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa như bạch cầu, phế cầu, uốn ván, ho gà, cúm, thủy đậu, sởi, quai bị..., phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường như hiện nay, ngoài các biện pháp giữ vệ sinh cơ bản, tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ và ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như bệnh sởi, ho gà và bạch hầu trong nhà trường và tại địa phương. Đảm bảo trẻ đã được tiêm đủ mũi hoặc đặt lịch cho trẻ tiêm bù càng sớm càng tốt nếu đã bị lỡ bất kỳ mũi tiêm nào.

Chúng ta có thể cùng nhau tạo ra một môi trường học tập lành mạnh để giúp trẻ vui khỏe học tập.

Thái Tuyền – Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)