CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH SỞI
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus sởi có thể lây gián tiếp khi người khỏe mạnh chạm vào đồ vật hoặc bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Chính vì vậy, những nơi đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện trở thành môi trường lý tưởng cho bệnh lây lan.
Biểu hiện ban đầu của bệnh sởi thường giống cảm cúm với sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp và phát ban. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế
Đưa trẻ đi tiêm phòng sởi ngay từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sởi mũi 2 + rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tại các trạm y tế.
Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Kiểm soát nhiễm trùng
Nếu không được nhập viện, bệnh nhân nên được cách ly ở nhà trong bốn ngày sau khi phát ban. Virus sởi có thể lơ lửng trong không khí đến hai giờ; do đó không nên sử dụng phòng có người nghi ngờ mắc sởi trong vòng hai giờ sau khi bệnh nhân rời đi.
Tăng cường miễn dịch
Thiếu dinh dưỡng và miễn dịch kém là yếu tố nguy cơ bị dịch bệnh tấn công. Chế độ ăn khoa học, cân bằng là rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm trong đó có sởi.
Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh tốt nhất.
Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, trong đó phải bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng.
Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản - đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi thì cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.
Cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh… vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương, đặc biệt tổn thương ở mắt, chống mù lòa. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt.
Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.
Vitamin C có nhiều trong dâu tây, cam, chanh, bưởi… giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.
Mỹ Huyền – Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)