Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngày 08/11/2024, Sở Y tế - Cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 được tổ chức từ ngày 10/11 đến 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động: Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh việc tổ chức mít tinh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có thể tổ chức các hoạt động phối hợp để huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân như: Diễu hành quần chúng, đi bộ, đạp xe, thi chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Tổ chức các sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức, truyền thông tạo nhu cầu đến với dịch vụ HIV/AIDS thích hợp tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng người dân. Tổ chức truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng do lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt. Tổ chức các sự kiện truyền thông về HIV/AIDS và các nội dung có liên quan tại các trường học, khu công nghiệp... nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ. Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp, tập trung phổ biến về các nội dung: Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV. Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS. Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm HIV, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS .
KHẨU HIỆU CỦA THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA
PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2024
1. Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
2. Tuổi trẻ chung vai - Vì tương lai không còn dịch bệnh AIDS!
3. Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
4. Chung sức, đồng lòng - Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
5. Giữ vững cam kết - Quyết tâm ngăn chặn AIDS!
6. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS để không ai bị bỏ lại phía sau!
7. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
8. Xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng!
9. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
10. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!
11. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
12. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời!
13. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
14. Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!
15. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
16. Methadone – Liều thuốc vàng cho người lệ thuộc các chất ma túy dạng thuốc phiện!
17. PrEP – Biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và an toàn!
18. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
19. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2024!
20. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024!
Thái Tuyền – Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)