Chuyển đổi số-động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Lâm Đồng

 

Ngày 18/9/2023, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.


Theo báo cáo, đến nay, công tác chuyển đổi số đã hình thành và khai thác nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng quốc gia và một số nền tảng, ứng dụng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở như: hệ thống thông tin báo cáo; giải quyết thủ tục hành chính; quản lý văn bản và điều hành; liên thông văn bản điện tử; cổng thông tin điện tử; nền tảng họp trực tuyến và các ứng dụng trong y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, …; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; 100% đơn vị cấp xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; có 7 địa phương đã xây dựng trung tâm điều hành thông minh (Đà Lạt, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đam Rông, Đức Trọng).

 

Toàn cảnh cuộc họp


Đối với một số lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo đã hình thành cổng thông tin điện tử giáo dục; trung tâm điều hành thông minh; triển khai ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy và quản lý tạo ra hệ sinh thái giáo dục phục vụ công tác điều hành, quản lý, khai thác. 100% cơ sở y tế cấp xã và phòng khám khu vực sử dụng nền tảng trạm y tế cấp xã. Triển khai ứng dụng thiết bị không người lái trong kiểm tra giám sát biến động tài nguyên rừng. Thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Đà Lạt, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng. Hoàn thành việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân đối với công dân đủ điều kiện. Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 68,45%; ...


UBND các huyện, thành phố (trừ Lâm Hà, Đơn Dương và Di Linh); Sở Giáo dục và Đào tạo đã hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC); cơ bản hoàn thiện trung tâm điều hành IOC cấp tỉnh, tiếp tục hoàn thiện để dự kiến khai trương vào ngày 06/10/2023.


Bên cạnh những kết quả đat được, công tác chuyển đổi số trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức về chuyển đổi số của một số cơ quan, đơn vị chưa cao, công tác lãnh, chỉ đạo còn lúng túng, chưa sâu sát, quyết liệt; người dân chưa nhận thức được lợi ích mà chuyển đổi số mang lại; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; kết quả phát triển kinh tế số chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử; một số cơ quan triển khai chưa đảm bảo tiến độ xây dựng trung tâm IOC.


Trong thời gian tới, đồng chí Phạm S đề nghị cần xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: Về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Các sở, ban, ngành, địa phương hoàn thành trung tâm điều hành thông minh IOC đúng tiến độ, riêng các sở, ban, ngành, địa phương còn lại khẩn trương đăng ký tiến độ xây dựng và hoàn thành trung tâm điều hành thông minh IOC theo các mốc thời gian cụ thể gửi Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, hướng dẫn triển khai và theo dõi.


Giao Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, xử lý các nội dung kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của các sở, ban, ngành, địa phương; rà soát, đôn đốc các đơn vị chủ quản hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định và đề xuất UBND tỉnh phê duyệt cấp độ an toàn thông tin đối với các Hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn đối với 100% hệ thống thông tin của tỉnh trước ngày 30/11/2023. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện công tác bàn giao nhiệm vụ quản lý Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trục liên thông văn bản điện tử theo đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ đã được phê duyệt.


TTTHDL&CĐS

(Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng)