TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6 hàng năm chính là cơ hội để các nước cùng nhau trao đổi và học hỏi nhằm nâng cao và cải thiện phương pháp phòng chống sốt xuất huyết một cách hiệu quả. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng chống sốt xuất huyết trong khu vực ASEAN và toàn cầu.

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm đang bùng phát mạnh ở thời điểm hiện tại, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm có khoảng 50-100 triệu người mắc bệnh SXH trên toàn cầu. Sự gia tăng về số ca mắc cũng như phạm vi bùng phát dịch bệnh do nhiều nguyên nhân tác động như độ ẩm tăng cao, vào mùa mưa, quá trình đô thị hóa, sự gia tăng mật độ dân số, các hoạt động du lịch…

Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đó là nguyên nhân dẫn đến tử vong   cho con người; Trong đó trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tử vong nhất do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Bệnh SXH có thể xảy ra rải rác quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao nhất. Nguyên nhân bệnh SXH gia tăng vào mùa mưa, đó chính là xuất phát từ thói quen sinh hoạt của con người. Muỗi có thể sinh sống và phát triển ở ngay trong các lon hộp phế thải, chum vại nước vỡ, bình bông, chén kê chân tủ, vũng nước lâu ngày không được dọn dẹp. Việc vứt rác thải bừa bãi như gáo dừa, vỏ xe cũng là một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra bệnh SXH gia tăng vào mùa mưa. Bên cạnh đó là sự chủ quan của con người như: Khi ngủ không mắc mùng, không dọn dẹp nhà cửa tối tăm, ẩm thấp và trông chờ ỷ lại vào ngành Y tế. Đồng thời, do đặc điểm khí hậu nước ta là nóng ẩm mưa nhiều vào giai đoạn từ tháng 6-11 đây chính là khoảng thời tiết vô cùng thuận lợi cho việc muỗi vằn đẻ trứng. Sau đó trứng nở thành lăng quăng và phát triển thành muỗi. Chính trong giai đoạn này mật độ của muỗi cao và làm cho bệnh SXH gia tăng.

Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” là đợt hoạt động cao điểm nhằm xử lý, loại bỏ các vật thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến. Trong thời gian này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như: Phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức các đợt diệt lăng quăng, diệt muỗi; Vận động người dân vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường tại địa phương và tại các khu vực đang xảy ra bệnh sốt xuất huyết…

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện/thành phố tổ chức giám sát, diệt lăng quăng; Phun hoá chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết

         Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ, làm hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn; Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Quan trọng hơn là cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, huy động được sự tham gia của Ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội tại địa phương trong việc rà soát các điểm nguy cơ ở cộng đồng bằng việc kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nóng về dịch bệnh và vận động người dân chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi trong chính ngôi nhà của mình.

Chiến dịch “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” là một trong những hoạt động nhằm duy trì tính bền vững của việc phòng chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng, là đợt phát động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bệnh sốt xuất huyết. Qua đó hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống bệnh tích cực; Nhằm giúp người dân tự bảo vệ mình đặc biệt vào mùa mưa, thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh.

Thái Tuyền - Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)