NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH DẠI

 

 

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%; Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó/mèo dại cắn là tiêm vắc xin dại càng sớm càng tốt.

Mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm vắc xin dại, nhưng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm vẫn có trên dưới 100 người tử vong vì dại. Khi đã lên cơn dại, người bệnh chắc chắn sẽ dần giã từ cuộc sống mà các bác sĩ cũng bất lực không thể cứu chữa. Điều đáng nói, các ca tử vong vì dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan “chó nhà” nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. 

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

 Để phòng chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

- Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

Thái Tuyền – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)