LÂM ĐỒNG TỔ CHỨC SÀNG LỌC BỆNH LAO CHO PHẠM NHÂN TẠI TRẠI GIAM ĐẠI BÌNH ĐỢT 2 NĂM 2022

Hiện nay bệnh lao vẫn là bệnh có số người mắc và tử vong cao. Theo số liệu của Tổ chức y tế Thế giới (TCYTTG), khoảng 1/3 dân số toàn cầu đã bị nhiễm lao, hàng năm có thêm 8-9 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1 triệu người chết do lao. Theo ước tính của TCYTTG, mỗi năm ở nước ta có thêm 145.000 bệnh nhân lao mới trong đó 65.000 bệnh nhân lao có vi khuẩn lao trong đờm, đây là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.

Chiến lược của Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) là phát hiện được 70% bệnh nhân lao phổi có trong cộng đồng, chữa khỏi ít nhất 85% số phát hiện, có như vậy mới hy vọng sau 10 - 12 năm tình hình bệnh lao giảm khoảng 50%.

Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tới 100% số xã và số huyện trong toàn tỉnh, nhưng công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân lao đang còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa, và các nhóm đặc biệt như tù nhân trong các trại giam.

Phạm nhân chủ yếu là người trẻ tuổi từ 18-44 tuổi, học vấn thấp và thường sống trong những điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi. Họ thường thuộc những nhóm người di cư, mắc nhiều bệnh tật. Phạm nhân trong các cơ sở tập trung có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn nhiều lần ngoài cộng đồng chung, vì điều kiện sống trong trại giam tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển và nguy cơ đó vẫn tiếp tục khi họ được ra trại trở về với cộng đồng.

Từ năm 2012, Trại giam Đại Bình tỉnh Lâm Đồng tham gia vào Chương trình chống lao Quốc gia, hoạt động như 1 tổ chống lao tuyến huyện. Công tác khám, phát hiện, chụp phim XQ phổi và xét nghiệm đờm cho những trường hợp nghi ngờ mắc lao được duy trì thường xuyên, nếu kết quả xét nghiệm đờm AFB (+) được cấp thuốc điều trị ngay trong vòng 24 giờ đầu và có sự giám sát hỗ trợ của CTCL tuyến tỉnh. Các trường hợp âm tính, có phim XQ tổn thương được hội chẩn theo quy định của Chương trình.

Qua các điều tra khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc lao AFB (+) của phạm nhân trong các trại giam là cao so với cộng đồng. Cùng với Lao/HIV làm cho tỷ lệ lao phổi AFB (-) và lao ngoài phổi gia tăng.

Chính vì thế, hoạt động sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân là một hoạt động rất hiệu quả và sau hoạt động sàng lọc định kỳ cán bộ trại giam có danh sách phạm nhân tổn thương XQ lấy đờm xét nghiệm làm GeneXpert.

Mục tiêu sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao cho phạm nhân nhằm mục đích:

  • Phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị khỏi cho phạm nhân mắc lao đang quản lý trong trại giam.
  • Theo dõi và quản lý các trường hợp phạm nhân có tổn thương bất thường trên phim XQ phổi để được tiếp tục cho xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao và lao kháng đa thuốc bằng chiến lược 2X (XQ và Xpert).

   Hình ảnh xe XQ của công ty Việt – Nhật sàng lọc đình kỳ bệnh lao cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình

Thực hiện công văn số 2242/BVPTƯ-CTCL ngày 30/8/2022 của Bệnh viện Phổi Trung ương về việc sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân. Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần thiết bị Y tế Việt – Nhật thực hiện sàng lọc định kỳ bệnh lao cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình trong 2 ngày 04/10 – 05/10/2022. Kết quả khám sàng lọc và chụp phim XQ phổi cho 1.628 phạm nhân, trong đó có 29 người có tổn thương phổi nghi lao trên phim XQ, làm xét nghiệm GeneXpert cho 113 phạm. Sau 2 tuần, Trại giam Đại Bình tiếp tục chụp XQ phổi lần 2 cho các trường hợp tổn thương phổi bất thường và hội chẩn với CTCL tỉnh thu dung các trường hợp lao phổi AFB âm tính.

Trương Thị Thùy Trang – Khoa PCBTN – CDC Lâm Đồng