Phụ nữ cho con bú có tiêm vắc xin phòng COVID-19 không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả các loại vắc xin phòng COVID -19 được sử dụng hiện nay không chứa vi rút sống, vì thế nó rất an toàn, không thể gây ra nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ. Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, nhiễm vi rút, nâng cao  sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng thời vẫn tiếp tục cho con bú sau tiêm.

Nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển bền vững, giúp cải thiện dinh dưỡng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 được mong đợi ở phụ nữ đang cho con bú cũng tương tự như ở những người trưởng thành khác.  

          Vaccine phòng Covid -19 là loại vắc xin tái tổ hợp, không phải là vắc xin vi rút sống gây bệnh Covid-19, nên về mặt sinh học và lâm sàng nó không có khả năng gây rủi ro cho người được tiêm và trẻ đang bú mẹ. Vì thế, phụ nữ đang cho con bú thuộc nhóm được khuyến nghị tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo lộ trình ưu tiên của Tổ chức Y tế thế giới. Dựa trên cơ chế hoạt động của vắc xin trong cơ thể con người, vắc-xin Covid-19 được cho là không gây nguy hại đến người đang tiết sữa hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ. Do đó, người đang tiết sữa có thể tiêm vắc-xin Covid-19. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng người đang cho con bú đã tiêm vắc-xin Covid-19 có kháng thể trong sữa của họ và điều này có thể giúp bảo vệ trẻ. Mặc dù người mẹ đang cho con bú có bị nhiễm hoặc không bị nhiễm Covid-19, thì cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi cho con bú hoặc vắt sữa bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch. Nếu không có xà phòng và nước sạch, hãy sử dụng dung dịch sát trùng tay có nồng độ cồn tối thiểu 60%. Người mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang trong suốt thời gian cho con bú, vắt sữa và chăm sóc trẻ.

Tiêm ngừa vaccine phòng bệnh cho trẻ sơ sinh

Hiện tại, các bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm chủng Covid-19 cho phụ nữ mang thai ngày càng tăng và chưa ghi nhận các nguy cơ, vấn đề bất thường nào đối với phụ nữ và thai nhi sau khi tiêm vaccine so với phụ nữ không mang thai. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ liên tục cập nhật dữ liệu về phụ nữ mang thai tiêm ngừa vaccine Covid-19 ở nước này (với số liệu nghiên cứu trên hơn 130.000 phụ nữ có thai tại thời điểm tiêm vaccine Covid-19) để đánh giá ảnh hưởng của vaccine lên thai kỳ. Dựa trên số liệu cập nhật mới nhất, ngày 11/8, CDC Mỹ kết luận vaccine Covid-19 an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Các nước trên thế giới đều khuyến cáo phụ nữ mang thai, đặc biệt tại các khu vực dịch đang bùng phát mạnh nên được tiêm vaccine phòng Covid -19. Thai phụ cần được tư vấn đầy đủ, đánh giá các lợi ích và nguy cơ để quyết định tiêm vaccine.

Bộ Y tế cho phép phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu Sản khoa, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Ngoài việc đánh giá và theo dõi thai, Phụ nữ mang thai tiêm vaccine cũng được theo dõi sau tiêm như các trường hợp khác. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 được thực hiện cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V. Khi đến tiêm, họ sẽ được khám sàng lọc trước để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

 BS. Ka Sum (CDC Lâm Đồng)