Ngành Y tế Lâm Đồng khai trương hệ thống chỉ đạo tuyến và hội chẩn từ xa, khám chữa bệnh từ xa

 

Ngày 09 tháng 02 năm 2022, Ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức buổi họp trực tuyến khai trương hệ thống chỉ đạo tuyến và hội chẩn từ xa, khám chữa bệnh từ xa với sự tham dự của Ban giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo các phòng của Sở, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cùng toàn thể Ban giám đốc, Trưởng các phòng chức năng, khoa chuyên môn thuộc các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng.

        Với mục tiêu đầu tư hệ thống họp trực tuyến, chỉ đạo tuyến, xây dựng hệ thống nền tảng triển khai thực hiện đề án tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của ngành Y tế Lâm Đồng đáp ứng công tác quản lý, điều hành của Sở Y tế và hoạt động hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành.

Hệ thống họp trực tuyến và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa gồm các điểm cầu trực tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo công tác quản lý, điều hành, tổ chức hội họp, tập huấn và triển khai các nhiệm vụ trong toàn ngành y tế; hệ thống thông tin đáp ứng các nghiệp vụ hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Cung cấp phương tiện giao tiếp giúp bác sỹ mổ và bác sỹ tham gia tư vấn giao tiếp với nhau bằng hình ảnh và âm thanh theo thời gian thực, giúp đội ngũ bác sỹ tư vấn chủ động đưa ra các khuyến cáo phù hợp, kịp thời. Bước đầu làm nền tảng để triển khai tích hợp các ứng dụng thông minh như phần mềm điều khiển đi kèm với phần cứng hỗ trợ (màn hình cảm ứng, hệ thống chuyển mạch video) giúp cho việc vận hành đơn giản, tiện ích; Thiết kế trang bị phòng hội chẩn trực tuyến, kết nối với các bệnh viện tuyến trên, hỗ trợ công tác đào tạo, giao ban, hội thảo trực tuyến.

 Đến nay, ngành Y tế Lâm Đồng đã thực hiện đầu tư 47 điểm cầu thuộc 23 đơn vị, trong đó hệ thống chỉ đạo tuyến tại 6 điểm cầu: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và 01 điểm cầu cố định phục vụ hội họp trực tuyến, có khả năng kết nối liên thông được đến các cuộc họp hội chẩn tư vấn khám trong ngành. Hệ thống phòng hội chẩn từ xa, khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi tỉnh mỗi đơn vị 3 điểm cầu; có 1 điểm cầu cố định phục vụ hội họp, hội chẩn và 2 điểm cầu di động đến các khoa nội trú, phòng khám bệnh, các dịch vụ cận lâm sàng, phòng mổ… Tại Trung tâm Y tế các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Lạc Dương mỗi đơn vị 3 điểm cầu; có 1 điểm cầu cố định phục vụ hội họp, hội chẩn và 2 điểm cầu di động đến các khoa nội trú, phòng khám bệnh, các dịch vụ cận lâm sàng, phòng mổ… Tại Trung tâm Y tế Cát Tiên, Đạ Huoai, Lâm Hà mỗi đơn vị 2 điểm cầu; có 1 điểm cầu cố định phục vụ hội họp, hội chẩn đã được Viettel và UBND huyện hỗ trợ và 1 điểm cầu di động đến các khoa nội trú, phòng khám bệnh, các dịch vụ cận lâm sàng, phòng mổ… Tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Lâm Đồng  mỗi đơn vị có 1 điểm cầu cố định phục vụ kết hợp hội họp, hội chẩn, tư vấn khám bệnh từ xa và tại Trung tâm Y tế Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc mỗi đơn vị có 1 điểm cầu cố định phục vụ kết hợp hội họp, hội chẩn, tư vấn khám từ xa.

          Trong lễ khai trương, các đại biểu ở các điểm cầu thuộc ngành Y tế Lâm Đồng đã cùng theo dõi ca hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa do Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Lâm Hà thực hiện cho bệnh nhân K’B, 68 tuổi ở  xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, nhập viện lúc 7 giờ sáng ngày 09/02/2022 tại Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu của Trung tâm Y tế Lâm Hà do đau bụng có tiền căn bị sỏi ống mật chủ. Bệnh nhân được chẩn đoán đau bụng chưa rõ nguyên nhân, theo dõi nhiễm trùng đường mật, sỏi ống mật chủ, viêm tụy do sỏi đường mật. Nội dung bàn luận chính là vấn đề chuyên môn về chẩn đoán có phù hợp, việc sử dụng thuốc và hướng điều trị tiếp theo cho bệnh nhân K’B. 

Tiếp theo lễ khai trương, BS.CKII Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế đã phát biểu chỉ đạo các đơn vị y tế trong việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác y tế như: Rà soát tất cả các đối tượng tiêm vắc xin để tránh bỏ sót các trường hợp chưa tiêm, không liên lạc được hoặc đã đến nơi khác tiêm…; Tăng cường việc dùng thuốc để điều trị bệnh nhân F0 theo chỉ định, đề xuất về cơ số thuốc…, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao hoá chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19; Thực hiện kế hoạch thanh tra mua sắm tài sản, vật tư; hóa chất; phương tiện phòng hộ... cho phòng chống dịch năm 2020 - 2021 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng; Tổng hợp, báo cáo các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch năm 2020 - 2021 theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước Khu vực VIII..; Phân công công tác trong Ban lãnh đạo phải rõ ràng, cụ thể; giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cấp phó đồng thời phải giao quyền được thay mặt cấp trưởng; Rà soát ban hành các quy chế thi đua khen  thưởng, đánh giá, xếp loại công chức thuộc thẩm quyền quản lý…; Kiện toàn các chức danh lãnh đạo quản lý đơn vị, đưa ra, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2020 - 2025; Thực hiện đúng quy định về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại (lưu trữ đầy đủ hồ sơ, biên bản họp); công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tỷ lệ   đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt, đồng thời tăng cường đào tạo cán bộ để đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp và chức danh lãnh đạo quản lý; Thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, chuyển đổi vị trí công tác, chế độ nâng lương, khen thưởng…; Xây dựng kế hoạch, các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế theo các tiêu chí của Bộ Y tế và trong quý 1 năm 2022, hoàn thành việc sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử tại các đơn vị; Việc không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, các đơn vị căn cứ điều kiện, dân trí theo từng huyện, thành phố để thực hiện đạt hiệu quả trong toàn ngành; Năm 2022, Hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân đạt tỷ lệ trên 80% tạo lập (hiện đạt 74% tính đến tháng 12 năm 2021) và trên 50% được quản lý thông tin dữ liệu; 100% trẻ em sinh ra phải được tạo lập hồ sơ đầy đủ thông tin; Xây dựng Đề án khám chữa bệnh từ xa và thực hiện hiệu quả giữa các đơn vị tuyến dưới với tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám và điều trị cho bệnh nhân.

Trương Thị Hợp (CDC Lâm Đồng)

 

 

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng và Ông Phùng Bá Thắng - Giám đốc Viettel Lâm Đồng cùng chủ trì lễ khai trương hệ thống chỉ đạo tuyến và hội chẩn từ xa, khám chữa bệnh từ xa của ngành Y tế Lâm Đồng

 

 

Các đại biểu theo dõi ca hội chẩn từ xa tại đầu cầu Sở Y tế tỉnh

 

Các đại biểu theo dõi ca hội chẩn từ xa tại đầu cầu CDC tỉnh

 

 

Thực hiện ca hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa tại Trung tâm Y tế Lâm Hà

 

Tại điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, các bác sĩ đang hội chẩn,

 khám chữa bệnh từ xa với các bác sĩ Trung tâm Y tế Lâm Hà