Nắng nóng đề phòng bệnh dại gia tăng

        Cùng với thói quen thả rông chó, mèo và vật nuôi khác, thời tiết nắng nóng mùa hè là điều kiện thuận lợi để bệnh dại bùng phát.

       Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải được điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Khoảng 60.000-70.000 người tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.

 

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh duy nhất

Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó mèo dại cắn là tiêm vắc xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm để chủ động phòng tránh, không để đến khi bị động vật cào/cắn/liếm mới tiêm vắc xin. Bởi virus dại ngay khi xâm nhập vào cơ thể di chuyển rất nhanh đến hệ thần kinh trung ương, nếu để đến khi virus lên đến não thì đã quá muộn.

Người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cẩn rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát trùng như cồn trắng, cồn i ốt, hoặc ô xy già. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Đối với vắc xin phòng bệnh dại, mỗi người nếu bị chó mèo cắn cần tiêm 5 mũi. Tuỳ tình trạng vết cắn, có thể chỉ cần tiêm vắc xin hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó mèo và không thả rông vật nuôi.

        Hiện nay, vắc xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. Vắc xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm.

                                                       BS Ka Sum ( CDC Lâm Đồng)