VẮC XIN BẠCH HẦU: VÌ SAO CẦN TIÊM NHẮC LẠI?
Vi khuẩn bạch hầu đang bùng phát mạnh trở lại tại Việt Nam, nguyên nhân của đợt dịch này một phần do sự chủ quan của nhiều gia đình không tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ đúng lịch và không tiêm nhắc lại ở người trưởng thành. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, vì vậy việc phòng bệnh bằng vắc xin là vô cùng cần thiết.
Đường lây truyền của bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi của người bệnh hoặc người lành mang trùng. Bệnh rất dễ lây lan ở những khu vực đông đúc dân cư hoặc vùng có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ. Ngoài hệ hô hấp, vi khuẩn bạch hầu còn có thể gây tấn công vào da gây nhiễm trùng da với các biểu hiện như mụn nước có mủ ở chân và tay, vùng da xung quanh mụn nước xuất hiện vết loét lớn có thể có giả mạc gây đau đớn cho người bệnh...Bạch hầu nguy hiểm vì các các loại độc tố tiết ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác như cơ (liệt cơ), tim (viêm cơ tim), gan thận (suy gan, suy thận) và dẫn đến tử vong rất nhanh (thể bạch hầu ác tính).
Vì sao phải tiêm ngừa vắc xin bạch hầu?
Sau khi sinh, trẻ sơ sinh đã có đề kháng tạm thời với vi khuẩn bạch hầu do kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang sẽ giúp bảo vệ bé trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, kháng thể này mất đi tác dụng rất nhanh chóng.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin bạch hầu đúng lịch và đúng liều lượng cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời và tiêm đầy đủ những mũi nhắc lại để tạo miễn dịch cho bé hoàn thiện nhất.
Lý do cần phải tiêm mũi nhắc lại vì các vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván chỉ tạo được miễn dịch để bảo vệ cơ thể trong một giai đoạn nhất định. Sau đó, theo thời gian, hiệu quả miễn dịch phòng bệnh đối với vi khuẩn bạch hầu , ho gà, uốn ván sẽ suy giảm, do đó khả năng mắc bệnh bạch hầu vẫn còn nếu không được tiêm nhắc lại.
Tại Việt Nam, vắc xin bạch hầu đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ hơn 30 năm nay. Do đó, tất cả trẻ em tại Việt Nam đều cần được tiêm phòng vắc xin bạch hầu ở trong dạng phối hợp với các vắc xin khác (5 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib hoặc 6 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, HiB và bại liệt) bao gồm 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18- 24 tháng tuổi. Mũi 5 nhắc lại khi trẻ được 4 - 6 tuổi và 9 - 15 tuổi.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại khu căn cứ 181 và Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông
Những lợi ích khi tiêm mũi nhắc lại vắc xin bạch hầu cho trẻ bao gồm:
- Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do vi khuẩn bạch hầu cho trẻ.
- Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 03 tháng tuổi) chưa được chủng ngừa đầy đủ trong cùng một gia đình.
- Tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng rãi.
- Giảm các chi phí phát sinh khi mắc bệnh.
Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng lớn thì hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể cũng suy yếu theo. Đồng thời, miễn dịch từ việc tiêm ngừa vắc xin bạch hầu trước đó cũng mất dần nên người người lớn tuổi là đối tượng dễ bị vi khuẩn bạch hầu tấn công và bệnh tình cũng nặng hơn. Tiêm vắc xin bạch hầu cho người lớn được thực hiện với 01 mũi vắc xin tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14-16 tuổi.
Trong trường hợp chưa được tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc không nhớ lần cuối cùng tiêm khi nào thì tiêm ngay 02 mũi cách nhau 30 ngày, sau đó tiêm nhắc lại với mũi thứ 03 sau 06 - 09 tháng sau mũi thứ 02.
Như vậy, có thể thấy cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu có mặt trong tất cả các loại vắc xin kết hợp như: vắc xin 3 trong 1, vắc-xin 4 trong 1, vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 06 tuần tuổi cho đến 06 tuổi.
BS Quốc Huy – Thái Tuyền