SỞ Y TẾ LÂM ĐỒNG CHỈ ĐẠO

 TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MỸ PHẨM

            Hiện nay, qua công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ trong hồ sơ công bố; thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý theo quy định; chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; một số sản phẩm mỹ phẩm ghi tính năng công dụng gây hiểu nhầm là thuốc. Đồng thời, qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, trên mạng internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube ...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

         Thực hiện Công văn 3141/QLD-MP ngày 19/9/2024 của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm. Để thực hiện tốt công tác quản lý mỹ phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quyền lợi của người tiêu dùng; Ngày 25/9/2024, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng ban hành công văn số 3100/SYT-TTr về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm Mỹ phẩm – Dược phẩm tỉnh Lâm Đồng, Phòng Y tế các huyện/ thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc thực hiện các nội dung sau:

         - Tăng cường triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn.

         - Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Youtube ... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố.

         - Xử lý, xử phạt (hoặc kiến nghị xử phạt) các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, nghi ngờ giả, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.

Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)