TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM,
PHÒNG, CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG MÙA BÃO, LỤT
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xảy ra, đặc biệt tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, vì vậy sẽ có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Vì vậy, tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm và do độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản... Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong thời gian tới; Ngày 20/9/2024, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành công văn số 3036/SYT-NVY về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão, lụt, yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung sau:
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố, đặc biệt là các hàng quán, gánh hàng rong xung quanh trường học. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất an toàn thực phẩm. Chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương, tập trung vào một số nội dung sau: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế; Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống sôi, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra; Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc. Tập trung chú trọng đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
Tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…
Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và khuyến khích tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.
Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn: kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, từ thiện nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Kim Cúc – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)