Ngộ độc rượu, cách nhận biết methanol phòng ngộ độc

Nhận biết hóa chất cồn nghiệp methanol:

Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. 

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”.

Khi bệnh nhân đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol nhưng lại uống tiếp các bữa rượu thông thường thì do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, sẽ không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc.

Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,… dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới tử vong hoặc di chứng mù, hôn mê đáng tiếc.

Các biểu hiện ngộ độc rượu nặng, nguy hiểm:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Tiểu tiện, đại tiện ra quần, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

- Mệt nhiều

 

Ảnh minh họa

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol:

Nguyên nhân là khâu quản lý hóa chất. Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu, thậm chí nhiều công ty sản xuất kinh doanh không chính đáng.  

Thứ hai, người dân nên hạn chế uống rượu tối đa và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đảm bảo, thông tin trên nhãn mác cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về các thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT ngày 01/2/2023 đề nghị đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.

Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường. Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)