HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG KHÁNG THUỐC  VỚI CHỦ ĐỀ  “CÙNG NHAU NGĂN NGỪA KHÁNG THUỐC”

Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) là một chiến dịch toàn cầu được tổ chức hàng năm từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 11 nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc (AMR). Chủ đề của WAAW năm 2022 là “Cùng nhau ngăn ngừa kháng thuốc” kêu gọi tất cả các tổ chức khuyến khích việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm sự xuất hiện và lan rộng của AMR trên cơ sở hợp tác cùng nhau thông qua hướng tiếp cận Một sức khỏe (One health).

Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế – thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển. Tại Việt Nam, kháng thuốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và cả nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, làm tăng độ nặng của bệnh, thời gian nằm viện, chi phí chăm sóc y tế, nguy cơ tử vong cao.


Nhưng kháng sinh là thuốc phải được chỉ định điều trị theo toa bác sỹ, tình trạng thuốc kháng sinh được bày bán phổ biến làm cho mọi người dân đều có thể dễ dàng mua về sử dụng không đúng cách, để lại hậu quả kháng thuốc kháng sinh của các vi khuẩn, vi nấm gây bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sự phát triển của toàn cầu. Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào.

Đứng trước dự báo tương lai phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả bệnh nhiễm trùng, từ năm 2011, WHO đã kêu gọi các quốc gia khẩn cấp có kế hoạch để đối phó tình trạng kháng thuốc. Mục tiêu đầu tiên của Kế hoạch hành động là “nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc thông qua truyền thông, giáo dục và đào tạo hiệu quả”. Để đạt được mục tiêu này, WHO công bố chiến dịch với khẩu hiệu “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” trong Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng sinh.  Hai nguyên tắc quan trọng nhất được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng để kháng sinh phát huy tác dụng là dùng đúng và đủ.

Bs Cil Mup Esete (CDC Lâm Đồng- Nguồn Bộ Y tế, CDC Đà Nẵng)