HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI NĂM 2024

Ưu tiên cho sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần trên toàn thế giới và huy động các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Năm 2024, Liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới hướng tới chủ đề “Ưu tiên cho sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”. Mục tiêu là thu hút tất cả các bên - bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức và các bên liên quan để vận động, thúc đẩy vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Với mong muốn làm nổi bật vai trò thiết yếu của sức khỏe tâm thần trong môi trường nơi làm việc để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ và quan tâm.

Mỗi ngày chúng ta đều phải làm việc. Việc làm có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của chúng ta. Việc làm là mục đích sống, là để nâng cao giá trị bản thân và tạo cơ hội kết nối với người khác. Nhưng nó cũng có thể là một nguồn gây căng thẳng, lo lắng và góp phần khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Mỗi người trong cuộc đời đều trải qua căng thẳng trong cuộc sống. Áp lực bận rộn trong công việc là động lực có thể giúp chúng ta rèn luyện bản thân hoàn thành mọi việc, nhưng đôi khi nếu mọi thứ gây áp lực quá nhiều, bạn có thể cảm thấy rằng mình không thể làm được gì cả. Vì vậy, khi bạn có rất nhiều thứ công việc cùng lúc, bạn phải phân loại để chọn ra một cách đối phó, giải quyết cho phù hợp “bỏ qua, trì hoãn, ủy quyền, thực hiện”.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức. Thế giới phát triển không ngừng, tiến bộ thay đổi hàng ngày, con người cũng phải chạy đua để theo kịp. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Những căng thẳng đó hàng ngày luôn âm thầm, diễn biến dần dần và chúng ta đôi khi khó nhận thức được biến đổi đó. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn góp phần vào những hậu quả lớn của các cơ quan tổ chức.

Mọi người cần phải chia sẻ trách nhiệm về sức khỏe tâm thần với nhau tại nơi làm việc, từ người sử dụng lao động đến nhân viên, giám đốc điều hành đến người quản lý. Mỗi người cần có những cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng hồi phục của cơ thể. Hãy đưa bản thân và đồng nghiệp thay đổi môi trường ra ngoài: ăn trưa, đi dạo hoặc tổ chức một số cuộc họp bên ngoài văn phòng. Điều này sẽ giúp bạn tiếp cận nhiệm vụ hoặc cuộc trò chuyện, thảo luận theo một cách khác và khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn. Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để thư giãn. Chúng ta phải đoàn kết trong việc rèn luyện bản thân, hỗ trợ lẫn nhau để hạn chế các căng thẳng và tạo ra những nơi làm việc lành mạnh hơn, kiên cường hơn, nơi sức khỏe tâm thần là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người.

Giải quyết các tình trạng mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng để làm việc tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần sẽ làm cho lực lượng lao động năng suất, gắn bó và hiệu quả công việc cao hơn. Bên cạnh đó cũng cần phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bất kể vị trí làm việc là gì cũng không nên để một công việc kiểm soát tất cả cuộc sống. Làm việc suốt ngày đêm hoàn toàn không có lợi cho sự tỉnh táo và tinh thần. Nếu công việc quá bận rộn, mệt mỏi và căng thẳng làm bạn không thể nhớ lần ăn tối với gia đình thì nên thay đổi thật sớm để tránh kiệt sức vì công việc.

Hãy làm việc cùng nhau để chống lại sự giảm sút sức khỏe tâm thần và kiệt sức. Tất cả mọi người cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, thúc đẩy môi trường làm việc thân thiện và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của tất cả nhân viên.

Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

 

(BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp khám tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại phòng khám đa khoa – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)

      Bài và ảnh: Hoàng Thị Nhung