HỘI NGHỊ TỔNG KẾT

Công tác Phòng chống và Loại trừ Sốt rét, Phòng chống Ký sinh trùng - Côn trùng năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

        Ngày 13/02/2023, tại TP. Đà Lạt, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống và loại trừ sốt rét, Phòng chống ký sinh trùng, côn trùng năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng.

        Tham dự hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế); TS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện SR-KST-CT Trung ương; PGS-TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện SR-KST-CT TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Viện SR-KST-CT Quy Nhơn và 120 đại biểu thuộc các Viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của 20 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng.

        Báo cáo tại hội nghị về công tác phòng chống và loại trừ sốt rét: Từ năm 2018 - 2022, tình hình sốt rét ở khu vực Nam Bộ- Lâm Đồng có xu hướng giảm và giảm đều ở hầu hết các chỉ số Bệnh nhân sốt rét (BNSR), Ký sinh trùng sốt rét (KSTSR), sốt rét ác tính (SRAT), tử vong sốt rét (TVSR) và không có dịch sốt rét xảy ra. Phạm vi lưu hành bệnh sốt rét ngày càng thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, bệnh nhân sốt rét chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh: Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. So với năm 2018, số bệnh nhân sốt rét năm 2022 giảm 98,77%; số ký sinh trùng sốt rét giảm 98,73%; sốt rét ác tính tăng 50%; tử vong sốt rét giảm 100%.

 

BSCKI. Đào Thành Trung - Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng

phát biểu tại hội nghị.

        Tiếp tục triển khai Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2021 - 2023” (RAI3E) tại 11 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ; Dự án “Định hướng và thúc đẩy chương trình phòng chống sốt rét tiến tới loại trừ sốt rét tại Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2022” do Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton tại Việt Nam (CHAI) tài trợ; Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quỹ toàn cầu phòng, chống Lao giai đoạn 2021-2023” (C19RM) do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

        Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2022: có 3/20 tỉnh có bệnh nhân sốt rét giảm là Lâm Đồng, Bình Dương và Bình Phước; có 3/20 tỉnh, thành phố có bệnh nhân sốt rét tăng là Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Tháp; 14 tỉnh còn lại không có bệnh nhân sốt rét. Mục tiêu giảm mắc sốt rét năm 2022 đạt so với kế hoạch, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra. Toàn khu vực đã có 15 tỉnh, thành phố được công nhận tỉnh đạt tiêu trí loại trừ sốt rét là: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Long An, TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. 05 tỉnh còn lại gồm 4 tỉnh vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và 1 tỉnh Tây Nam Bộ là Kiên Giang.

Toàn cảnh hội Nghị

        Với mục tiêu năm 2023 là tiếp tục đẩy lùi sốt rét; tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao, củng cố các yếu tố bền vững, ngăn chặn sốt rét quay trở lại tiến tới loại trừ sốt rét. Hiện tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đã có 15/20 tỉnh đã đạt tiêu chí loại trừ sốt rét. Tiếp tục duy trì kết quả loại trừ sốt rét tại 15 tỉnh, thành phố; trong đó, hướng dẫn thêm 2 tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh lập hồ sơ công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2023; tiến tới loại trừ sốt rét trong khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng vào năm 2025 theo lộ trình loại trừ sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Y tế.  Đảm bảo độ bao phủ đạt trên 90% dân sống trong vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng được bảo vệ bằng biện pháp phun hóa chất và tẩm màn theo kế hoạch. Tiếp tục phát triển các yếu tố bền vững và xã hội hóa phòng chống và loại trừ sốt rét.

        Tại hội nghị, Viện SR-KST-CT Trung ương công bố quyết định công nhận 5 tỉnh trong cả nước đạt tiêu chí loại trừ sốt rét năm 2022 là Bắc Kạn, Hòa Bình, Bình Dương, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, toàn quốc đã có 42/63 tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ sốt rét quy mô cấp tỉnh, thành phố.

Trao quyết định công nhận các tỉnh đạt tiêu chí loại trừ sốt rét

Về công tác phòng chống giun sán: Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã tổng hợp thông tin liên quan đến bệnh giun, sán, các bệnh đơn bào và phòng chống bệnh ở khu vực. Thực hiện điều tra dịch tễ xác định vùng nguy cơ, xác định các yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh ký sinh trùng; Điều tra tình trạng nhiễm giun, sán có khả năng lây truyền sang người ở động vật bằng kỹ thuật sinh học phân tử; Thu thập mẫu và điều tra tình hình nhiễm nấm da. Tổ chức các lớp tập huấn: Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam; Kế hoạch phòng chống và phân vùng dịch tễ bệnh Ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Nâng cao năng lực xét nghiệm về ký sinh trùng cho nhân viên y tế các tuyến và thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Hướng dẫn các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thực hiện chiến dịch tẩy giun tại cộng đồng cho các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và phụ nữ tuổi sinh sản; Huy động sự phối hợp tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể: Ngành Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các thầy cô giáo, Già làng, Trưởng bản… trong công tác truyền thông. Đẩy mạnh phát hiện chủ động và thụ động bệnh ký sinh trùng dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm phát hiện bệnh ký sinh trùng.

        Về công tác phòng chống sốt xuất huyết (PC SXH): Năm 2022, các tỉnh trong khu vực đã chủ động trong việc triển khai các hoạt động PC SXH; giám sát véc tơ SXH tại khu công nghiệp, các địa bàn có nguy cơ mắc SXH cao; đánh giá độ nhạy cảm và hiệu lực diệt muỗi của các hóa chất sử dụng trong phòng chống véc tơ sốt xuất huyết. Thực hiện công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống véc tơ sốt xuất huyết, chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn.

 

 

Ths. Trần Như Tuấn – khoa Ký Sinh trùng - Côn trùng

thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

báo cáo tham luận tại Hội nghị

          Công tác phòng chống ngoại ký sinh: Hiện nay chưa có chương trình phòng chống các bệnh do các nhóm ngoại ký sinh truyền. Tuy nhiên, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM đã chủ động điều tra, giám sát một số loài chân đốt y học (CĐYH) phổ biến ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng nhằm làm cơ sở cho việc giám sát diễn biến các loài ngoại ký sinh trong công tác phòng chống các bệnh do ngoại ký sinh truyền; Phối hợp giám sát hoạt động Phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh do chân đốt y học truyền tại các cửa khẩu các tỉnh trong khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng như: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp để đưa ra các biện pháp phòng chống véc tơ hợp lý; Kết hợp với các cơ quan, đoàn thể trong công tác truyền thông về phòng chống bệnh các loài CĐYH truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống bệnh do các loài CĐYH truyền; Tổ chức các lớp tập huấn về định loại và phòng chống các loài CĐYH cho cán bộ làm công tác về ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh.

Năm 2023, với mục tiêu, giải pháp cụ thể trong hoạt động chuyên môn, khống chế không để dịch lớn xảy ra. Các tỉnh, TP thuộc Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. (Thụy Hợp – CDC LÂM ĐỒNG)