GIÁM SÁT CA BỆNH

TRONG GIAI ĐOẠN TIẾN ĐẾN LOẠI TRỪ SỐT RÉT TẠI LÂM ĐỒNG

 

Trong những năm qua công tác phòng chống và loại trừ sốt rét đã đạt được các thành tựu đáng kể, với số mắc và tử vong giảm liên tục qua các năm, vùng sốt rét lưu hành thu hẹp. Chúng ta đã sớm đạt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về phòng chống sốt rét. Chính phủ đã nổ lực về nguồn tài chính cho phòng chống và loại trừ sốt rét; bên cạnh đó sự tham gia tích cực mạnh mẽ của cộng đồng, các tổ chức xã hội thuận lợi cho triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 741/QĐ – BYT ngày 02/3/2016 về Hướng dẫn giám sát và PCSR đã xác định các giai đoạn phòng chống và loại trừ sốt rét bao gồm:

            + Giai đoạn phòng chống sốt rét

            + Giai đoạn loại trừ sốt rét

            + Giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại

            Các giai đoạn loại trừ và phòng chống sốt rét này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Phòng chống sốt rét là giai đoạn hoạt động của Chương trình sốt rét triển khai tại một tỉnh, một huyện, một xã có tỷ lệ KST SR ở vùng SRLH năm ≥ 1/1.000 DS vùng SRLH

            Loại trừ sốt rét là giai đoạn hoạt động của Chương trình sốt rét triển khai tại một tỉnh, một huyện, một xã có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ở vùng sốt rét lưu hành năm < 1/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành và thực hiện các hoạt động duy trì kết quả loại trừ sốt rét trong vòng ≥ 3 năm

Trên cơ sở các giai đoạn phòng chống và loại trừ sốt rét; lộ trình loại trừ sốt rét cho tỉnh, thành phố được dựa vào các yếu tố sau:

  • Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét /1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành của từng huyện (số trường hợp ký sinh trùng sốt rét trong 5 năm)
  • Thực hiện giám sát trường hợp bệnh sốt rét bao gồm phát hiện, chẩn đoán bệnh; thực hiện điều tra trường hợp bệnh sốt rét trong 03 ngày sau khi phát hiện, giám sát ký sinh trùng sốt rét, giám sát muỗi truyền bệnh sốt  rét
  • Thực hiện báo cáo trường hợp bệnh cho tuyến trên trong vòng 24 giờ (cả y tế công lập và y tế tư nhân)
  • Thực hiện giám sát ổ bệnh sốt rét: điều tra, phân loại, xử lý ổ bệnh
  • Nguồn lực thực hiện của địa phương và nguồn hỗ trợ (nhân lực, kinh phí)

Hiện nay, tình hình sốt rét ở Lâm Đồng đã giảm trên hầu hết các đơn vị trong tỉnh. Nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lạc Dương, Lâm Hà, Đà Lạt... không còn ca lây nhiễm tại chỗ trên địa bàn trong 3 năm liền (từ năm 2020 – 2022).  Chúng ta đang từng bước phấn đấu tiến đến loại trừ sốt rét vào năm 2025, trong đó công tác giám sát và xử lý ổ bệnh là một yêu cầu quan trọng

(Hinh 01 kiểm tra hoạt động điểm kính hiển vi xã)

Việc giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét trong giai đoạn hiện nay được thực hiện theo mô hình 1-3-7 có nghĩa là phải báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 01 ngày, điều tra trường hợp bệnh trong vòng 3 ngày, điều tra ổ bệnh và xử lý ổ bệnh trong vòng 7 ngày. Theo đó đã nêu lên tinh thần trách nhiệm, biện pháp hành động, thời hạn triển khai các hoạt động giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét một cách cụ thể để tất cả các địa phương tập trung thực hiện. Có thể nói loại trừ được bệnh sốt rét hay không trong thời gian đến sẽ phụ thuộc vào yêu cầu về thời gian, chất lượng giám sát và xử lý ổ bệnh.

(Hinh 02 Chủ động lấy lam xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét

và cấp kem xua muỗi cho đối tượng đi rừng)

Mặc dù tình hình sốt rét đã giảm nhiều và đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên Lâm Đồng là một tỉnh cao nguyên với thực trạng luôn có đối tượng dân di biến động trên địa bàn. Do đó, vấn đề giám sát, quản lý phòng chống sốt rét cho đối tượng dân di biến động vẫn còn là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay. Đặc biệt là những đối tượng đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có sốt rét và vùng sốt rét lưu hành nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Công tác giám sát nhóm dân di biến động đặc biệt được chú trọng đối với các đơn vị có vùng rừng giáp ranh với các tỉnh lân cận (Di Linh, Đức Trọng, Cát Tiên, Đam Rông…)

(Hình 03 Điều tra muỗi Anophen truyền bệnh sốt rét tại

xã Sơn Điền, huyện Di Linh)

Trên tình thần luôn chủ động, kịp thời giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng, ngay trong thời gian sau Tết nguyên đán Quý Mão, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế Di Linh triển khai giám sát, xử lý ca bệnh sốt rét tại Sơn Điền một xã vùng sâu vùng xa, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân là một trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai nhiễm Plasmodium vivax ở vùng rừng Bình Thuận, là đối tượng đi rừng khai thác cây le và bắt cá, ngủ lại rừng qua đêm. Đoàn công tác đã phối hợp với địa phương, triển khai các nội dung theo đúng quy định giám sát ca bệnh, đồng thời chỉ đạo cho y tế xã tiếp tục theo dõi ca bệnh, tăng cường công tác truyền thông phòng chống sốt rét cho nhân dân tại địa phương. Trần Như Tuấn – Khoa KST-CT – CDC Lâm Đồng