Không nên ăn nhiều muối

Bộ y tế đã kêu gọi người dân giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận…

Theo đó, ăn nhiều muối là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Các bệnh tim mạch đang là sát thủ số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% số ca bệnh tử vong toàn quốc.

Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc. Đặc biệt, gần 60% người bị tăng huyết áp song chưa được phát hiện, trên 80% chưa được quản lý điều trị. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới đa số người tử vong do Covid-19 đều kèm bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 g muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê. Tuy nhiên, đa số người Việt đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, gần 10 g mỗi người mỗi ngày, song chỉ 16% số người được hỏi ý kiến nói rằng bản thân có ăn mặn. Để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe, người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày.

Muối là loại gia vị phổ biến trong bữa cơm gia đình Việt nhưng nó lại tiềm tàng bao nguy cơ gây hại đến sức khoẻ con người.

Muối là thực phẩm vô cùng quý giá và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và sự sống. Hàng ngày, thông qua các hoạt động của cơ thể nên lượng muối bị mất đi (qua nước tiểu, mồ hôi, nước mắt,…) đòi hỏi phải được bù đắp. Tuy nhiên do muối là thực phẩm rẻ và dễ có, dễ ăn tạo vị ngon cho miệng nên đã gây ra thói quen ăn mặn ở một số người dẫn đến những tác hại vô cùng nghiêm trọng. 

Cao huyết áp: Lượng muối cao có thể gây ra bệnh cao huyết áp, bệnh tim và đột qụy. Người có tiền sử cao huyết áp mà vẫn duy trì thói quen ăn mặn sẽ khiến bệnh thêm nặng và dẫn đến những nguy cơ tai biến khôn lường.

Bệnh tim mạch: Ăn mặn sẽ uống nước nhiều làm tăng khối lượng máu tuần hoàn thì tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim thất trái to lên rồi dẫn đến bị suy tim. Nếu bạn phát hiện và giảm ăn muối thì tim thất trái sẽ trở lại bình thường.

Đột qụy: Các nghiên cứu cho rằng nếu bạn giảm một gam muối/ ngày, khả năng giảm đột qụy là 1/6.

Bệnh tiêu hoá: Dùng muối nhiều hàng ngày cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày so với người ăn khẩu vị bình thường rất nhiều,  là nguyên nhân gây ra 80 – 90% các vết loét tá tràng và dạ dày

Bệnh thận: Ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận. Bệnh nhân đã bị bệnh thận nếu ăn nhiều muối sẽ suy sụp nhanh hơn, ngược lại nếu ăn ít muối thì chức năng thận được cải tạo tốt hơn. Không chỉ có thế muối còn là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thận nhiễm mỡ.

Bệnh xương khớp: Ăn muối nhiều, uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua đường nước tiểu, dẫn đến loãng xương.

Vấn đề về tóc: Ăn muối nhiều có thể liên quan đến các vấn đề như bạc tóc và dẫn đến rụng tóc.

 

Kiểm tra sức khỏe người cao tuổi

 

Có thể nói ăn mặn là một thói quen khó bỏ, bởi nó làm hài lòng khẩu vị trong mỗi bữa ăn. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe, đồng thời duy trì được cảm giác ngon miệng, cần tập ăn nhạt và thực hiện dần dần, không thể giảm đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lí mà bác sĩ chỉ định phải ăn nhạt).

Chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn bằng cách pha loãng nước chấm hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường, nên chọn thực phẩm tươi sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế dùng muối, không trữ các món mặn khô, mắm ở trong nhà. Hãy ăn một liều lượng phù hợp để bảo vệ sức khỏe. Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)