BỮA ĂN LÀNH MẠNH – NỀN TẢNG GIÚP TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG CHO CƠ THỂ

 

Bữa ăn lành mạnh cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể tăng sức đề kháng để chống chọi với các tác nhân gây bệnh bên trong và bên ngoài.

Vai trò của bữa ăn lành mạnh

Bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), vitamin và khoáng chất. Thực phẩm chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không trở thành nguồn gây bệnh.

Bữa ăn lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong dinh dưỡng bởi không chỉ cung cấp năng lượng hoạt động cho suốt một ngày mà còn giúp nâng cao sức khỏe, đẩy lùi các bệnh lý tim mạch, ngăn ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe đường ruột, nâng cao tâm trạng... 

 Ăn uống thiếu hoặc thừa chất, không khoa học có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý khác nhau:

- Thiếu chất đạm trong khẩu phần ăn là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, cơ thể chậm phục hổi sau bệnh tật và chấn thương. Thừa đạm lại gây áp lực lớn cho gan và thận.

- Thiếu chất béo trong bữa ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan tổ chức trong cơ thể, đặc biệt là não bộ và thần kinh, gây chậm lớn ở trẻ em. Ngược lại, nếu ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến thừa cân – béo phì, có liên quan đến các bệnh mạn tính không lây và hội chứng rối loạn chuyển hoá.

- Khẩu phần ăn thiếu chất bột đường có thể gây sút cân và mệt mỏi. Nếu tình trạng thiếu trầm trọng còn có thể dẫn tới hạ đường huyết hoặc toan hóa máu do tăng thể cetonic trong máu. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều chất bột đường có nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều đường tinh chế còn làm ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng, gây sâu răng, kích thích dạ dày, gây đầy hơi và nếu kéo dài có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa.

- Thiếu vitamin và khoáng chất khiến cơ thể chậm phát triển, giảm khả năng hoạt động nhưng nếu thừa sẽ khiến cơ thể đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Để thực hiện bữa ăn lành mạnh đảm bảo chất dinh dưỡng thì người chế biến phải biết lựa chọn thực phẩm vệ sinh, an toàn, tươi, ngon, không sử dụng thực phẩm hết hạn, không để rau lâu ngày, không chế biến thức ăn quá sớm trước khi ăn...

 

Sức đề kháng tốt sẽ giúp cơ thể có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Sức đề kháng thường có hai loại là sức đề kháng tự nhiên và sức đề kháng tổng hợp. Trong đó, sức đề kháng tổng hợp có được từ chế độ dinh dưỡng ăn uống hợp lý, việc tiêm phòng vắc xin và tập thể dục thể thao thường xuyên.

Trước tiên, các bạn cần ghi nhớ rằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng là tiền đề cho việc giữ cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng. Một bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể thường gồm các nhóm chất dinh dưỡng là tinh bột, chất đạm, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng thì chúng ta cũng cần phải bổ sung đầy đủ các loại hoa quả và rau xanh, cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày.

Ngoài việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe thì các bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây để có thể giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể:

Cần bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, tránh để cơ thể bị mất nước. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống ít nhất từ 1,5 lít nước mỗi ngày.

Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao để cơ thể được khỏe mạnh, dẻo dai và bền bỉ hơn. Rèn luyện thể lực thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Nên ăn chín uống sôi, tránh ăn thực phẩm sống quá nhiều.

Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia, hút thuốc hay một số loại đồ uống chứa nhiều cafein để đảm bảo cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường sống thật trong lành và xanh sạch đẹp.

Việc giữ cho mình một tinh thần thoải mái và khỏe mạnh cũng là điều quan trọng để giúp cơ thể có thể sản sinh ra các chất tốt có lợi cho sức khỏe của bạn.

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng) Tổng hợp