BỆNH CẢM CÚM
Cảm cúm là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ, người cao tuổi. Nếu bệnh trở nặng gây biến chứng vào phế quản, phổi gây viêm phế quản sẽ khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, khó thở, đặc biệt đối với trẻ em, khiến bé hay quấy khóc.
Đối với những phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 03 tháng đầu của thai kỳ dễ dẫn tới dị tật cho thai nhi, với những bệnh nhân hay tái đi tái lại có thể không phải là cảm cúm có thể nhầm với các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang.
Mỗi năm thường xuất hiện các chủng vi rút cúm mới, những biến đổi này gây cho hệ miễn dịch rất nhiều khó khăn.
Đây là một trong những căn bệnh mùa hè phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.
Vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi, vi rút có thể lây lan trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại của người bị cúm.
Biểu hiện của bệnh cảm cúm: Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 02 ngày khi cơ thể tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C);
- Cảm giác ớn lạnh;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Đau nhức cơ bắp;
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn)
- Sau khoảng 05 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Phòng ngừa bệnh cúm
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Do vi rút cúm biến đổi liên tục nên mỗi năm đều có loại vắc xin chủng ngừa mới được sản xuất dựa theo nghiên cứu từ các nhà khoa học về khả năng gây bệnh của vi rút. Chỉ cần 01 mũi tiêm nhắc mỗi năm cũng giúp bạn phòng ngừa cúm hiệu quả. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, vắc xin có tỷ lệ bảo vệ rất cao lên tới 90%.
Xây dựng và duy trì các thói quen sinh hoạt dưới đây giúp bạn giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm cúm nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung.
+ Rửa tay thường xuyên: Giữ tay sạch sẽ, hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng trong 30s hoặc sử dụng nước rửa tay khô.
+ Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm: Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập chung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh cũng cần ý thức tự cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người xung quanh. Tốt nhất nên ở riêng trong phòng/ tại nhà ít nhất 24 tiếng kể từ thời điểm hết sốt.
+ Làm sạch bề mặt vật dụng: Thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, mặt bàn,… cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm.
+Tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hằng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm. BS Quốc Huy – Thái Tuyền