Thuốc lá là nguyên nhân của bệnh tật và đói nghèo

 

Đó là vòng luẩn quẩn khi nói đến việc hút thuốc lá - bệnh tật và đói nghèo. Vì thực tế có không ít người do hút thuốc lá quá nhiều dẫn đến sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật ngày càng nhiều, khó khăn chồng chất, gia cảnh đã nghèo ngày càng nghèo hơn. Tuy nhiên, có nhiều nơi, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ, nhất là những người trung niên và lớn tuổi có thói quen hút thuốc lá mà cả thuốc lào và coi đó như một thói quen khó bỏ.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trung bình cứ 2 người nam giới thì có một người hút thuốc, 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà, 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam lại thấp nhất thế giới. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến số người hút thuốc ngày một gia tăng khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo và bệnh tật.Hút thuốc lá không chỉ rất nguy hại tới sức khỏe mà còn gây thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Ngoài tổn thất chi phí mua thuốc hút, người hút thuốc lá còn phải chịu các tổn thất vì ốm đau và tử vong sớm do các bệnh do hút thuốc gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Không chỉ vậy, thuốc lá còn là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững liên quan tới nhiều lĩnh vực như an ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục…

 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người dân

 

7 triệu người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo WHO, hút thuốc lá là vấn đề báo động và là nhân tố lớn nhất dẫn đến sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm toàn cầu có tới 7 triệu người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này dự đoán sẽ tăng hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030 nếu các nước không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Việc sử dụng thuốc lá là nguy cơ đe dọa đối với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, tuổi, chủng tộc, văn hóa hay học vấn.WHO cũng cho biết, mỗi năm việc sử dụng thuốc lá gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1400 tỷ đô la Mỹ, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Khoảng 80% số ca tử vong do thuốc lá xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mạn tính là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Cũng theo nghiên cứu của Bộ Y tế đã chỉ ra trong khói thuốc lá có tới 7.000 chất hóa học, trong đó hầu hết là chất độc hại gây ra nhiều nhóm bệnh rất nguy hiểm. Chỉ tính riêng về ung thư, trong thuốc lá có hơn 200 chất gây ung thư.

Cộng đồng chung tay phòng chống tác hại thuốc lá

Theo WHO, phòng chống tác hại của thuốc lá góp phần bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia ưu tiên và đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá như một phần của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Qua đó, tất cả các nước đều được hưởng lợi từ hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả; mọi người dân sẽ được bảo vệ khỏi những tác hại đến sức khỏe và kinh tế do sử dụng thuốc lá. Đồng thời, phòng chống tác hại thuốc lá đã được xác định rõ trong kế hoạch phát triển bền vững. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp đạt mục tiêu giảm 1/3 trường hợp tử vong sớm trên toàn cầu đến năm 2030 do bệnh không lây nhiễm bao gồm tim mạch, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính…
Để huy động sự tham gia của cộng đồng, WHO đã lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày thế giới không thuốc lá. Việt Nam cũng phát động Tuần lễ quốc gia không thuốc lá vào 25-31/5 hàng năm. WHO nhấn mạnh, phòng chống tác hại thuốc lá góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn: sử dụng thuốc lá dẫn đến đói nghèo; chấm dứt nạn đói, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá cấp quốc gia, mỗi người dân đều có thể hành động để tạo ra một môi trường không khói thuốc, một thế giới bền vững như không hút thuốc lá, bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá gần mọi người; nhắc nhở người hút thuốc lá không hút thuốc nơi đông người, không hút tại nơi có quy định cấm; bảo vệ bạn bè, người thân khỏi tác hại của hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…

Ai cũng biết sử dụng thuốc lá làm tăng thêm gánh nặng cho mỗi gia đình và làm giảm chất lượng của lực lượng lao động. Vì thuốc lá, những người nghèo ngày càng trở nên kiệt quệ. Trong thực tế, đối với nhiều gia đình, chi phí cho hậu quả của việc hút thuốc gây ra còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để mua thuốc như: chi phí điều trị, chăm sóc, tốn kém về thời gian.

Để người dân có thể nhận thấy tác hại của thuốc lá, từ đó chủ động phòng chống và coi việc hút thuốc lá là hành vi không đẹp ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi người dân cần chủ động không tiếp cận với thuốc lá để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong lành không khói thuốc lá, đặc biệt bệnh tật và đói nghèo không còn đeo bám trong suốt cuộc đời của họ.

                                                                 Thái Tuyền ( CDC Lâm Đồng)