NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM – CÁCH PHÒNG NGỪA

 

          Ngộ độc thực phẩm còn gọi là ngộ độc thức ăn. Đó là khi người bị ngộ độc đã ăn, uống phải những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia … Ngộ độc thực phẩm cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

Nguyên nhân

          Nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:

- Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc và nấm men.

- Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như: Cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu…

- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do ô nhiễm kim loại nặng (Thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); Do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; Phụ gia thực phẩm; Các chất phóng xạ.

Dấu hiệu nhận biết

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: Buồn nôn, nôn, có khi nôn ra cả máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm bao gồm nhiều quá trình như chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm chưa chế biến và đã chế biến, giữ vệ sinh trong lúc chế biến thức ăn, ăn uống hợp vệ sinh với nguyên tắc ăn chín uống sôi.

Lựa chọn thực phẩm an toàn: Cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không bị kém chất lượng, không hết hạn sử dụng. Không dùng những thức ăn có chất độc như cá nóc, khoa tây mọc mầm, nấm lạ… và những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học.

Bảo quản kỹ lưỡng thực phẩm: Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp. Không nên để thức ăn ở ngoài quá hai giờ đồng hồ đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng không nên để ngoài quá một giờ đồng hồ.

Chế biến thức ăn đúng cách và an toàn: Làm chín thức ăn đúng cách, ở nhiệt độ phù hợp. Nấu chín thức ăn, đun sôi nước trước khi sử dụng. Rửa các loại trái cây tươi trực tiếp dưới vòi nước đang chảy. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, trong quá trình chế biến và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Dụng cụ chế biến thức ăn cũng phải sạch sẽ, rửa lại bằng xà phòng và nên rửa với nước ấm.

Ăn uống hợp vệ sinh: Ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp… Thực hiện ăn chín uống sôi.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

          - Loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, khi nôn vị trí đầu nằm nghiêng, trường hợp cần thiết giữ lại một ít thứ đã nôn ra để xét nghiệm.

          - Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.

          - Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống hết 01 lít nước pha với orezol theo đúng tỷ lệ hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha ½ thìa cà phê muối cộng với 04 thìa cà phê đường trong 01 lít nước.

          - Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân càng đi hết càng tốt.

          Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo nhẹ. Với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có biểu hiện tím tái, khó thở …cần nhanh nhóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.