KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
(19/5/1890-19/5/2024)
Xây dựng Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở dành mối quan tâm xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh và coi đó là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về xây dựng Đảng có vị trí đặc biệt quan trọng.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Để chuẩn bị thành lập Đảng, điều đầu tiên Người xác định: “Đảng muốn vững thì cần phải có chủ nghĩa làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là cơ sở nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi mọi đảng viên phải hiểu rõ và noi theo. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ: Nắm vững và thực hiện nguyên tắc này không phải theo cách giáo điều, mà phải vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam. Điều này, khiến chúng ta liên tưởng và hiểu thêm vấn đề cơ bản trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân”. Điều lệ ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc”. Đó là bản chất của Đảng.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản, như Điều lệ đã nêu.
Về nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng được thể hiện nhất quán trên thực tế: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
Nói đến tự phê bình và phê bình, Bác Hồ căn dặn chúng ta xác định đúng mục đích và cần có phương pháp thích hợp. Mục đích của tự phê bình và phê bình như Bác Hồ quan niệm là: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Nhưng muốn đạt được mục đích thì cần có phương pháp phù hợp. Theo Bác, phương pháp phù hợp nhất là phải thành khẩn, trung thực, kiên quyết và phải có văn hóa trong tự phê bình và phê bình. Người nhấn mạnh: Nếu không kiên quyết thực hiện tự phê bình và phê bình thì cũng giống như giấu giếm tật bệnh trong người, không dám uống thuốc và làm cho bệnh nặng thêm, nguy đến tính mạng.
Trong thực tế thường có những biểu hiện lệch lạc trong phương pháp tự phê bình và phê bình như: Tự phê bình thì ít hoặc không chịu tự phê bình nhưng phê bình thì nhiều, làm ra vẻ ta đây hăng hái đấu tranh chống tiêu cực; phê bình vu vơ như “bắn chỉ thiên”, phê bình không có địa chỉ rõ ràng; phê bình theo kiểu lợi dụng để “hạ bệ” người mình không ưa; Trong các đợt sinh hoạt Đảng tự phê bình và phê bình đây đó thường có thái độ “nín thở qua đò”, “giữ mình” hoặc giả vờ thành khẩn nhận cho qua chuyện... Bác nhấn mạnh: Tự phê bình và phê bình phải có “tính chất xây dựng”, “không mỉa mai, nói xấu nhau”, “chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”, không được trù dập người phê bình mình. Trong phê bình, phải đặc biệt thực hành dân chủ... Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu tự phê bình và phê bình.
Bác Hồ từng chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Vì vậy, muốn Đảng mạnh, được Nhân dân tin tưởng, yêu quý, nhất định chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là việc sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót một cách quyết liệt, gắn với việc thường xuyên học tập và làm theo gương Bác.
Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy, ngay từ những tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác đã chỉ rõ, cách mạng muốn thành công phải có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng; và Đảng phải thường xuyên sửa đổi lối làm việc để “Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Cũng trong bản Di chúc lịch sử, Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế có rất nhiều vấn đề mới đặt ra. Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự-an toàn luôn đứng trước thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, như Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn đang tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với những thành tựu đạt được, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của Nhân dân với Đảng được củng cố. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả rất đáng tự hào thì công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài, chậm được khắc phục, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, trong đó đổi mới, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng và cũng là đòi hỏi tự thân của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở lòng tin của Nhân dân. Chân lý thật giản đơn: Có Nhân dân là có tất cả. Mất lòng tin của Nhân dân là mất hết. Bác Hồ từng căn dặn (đại ý): Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Cho đến thời điểm này, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Người: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là dịp chúng ta ôn lại để thấm thía hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Thực hiện tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan để Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như mong muốn của Bác Hồ, mà trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về xây dựng Đảng đã được Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo quản lý các cấp, cần thực hiện tốt các chương trình sửa chữa khuyết điểm, khắc phục những yếu kém, thực hiện tốt hơn nữa việc tự phê bình và phê bình để Đảng ta mãi mãi là đạo đức, là văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
Thái Tuyền CDC (Lâm Đồng) - Nguồn Báo Lâm Đồng