CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH HO GÀ Ở TRẺ SƠ SINH

 

 

Trẻ sơ sinh mắc ho gà có thể nhập viện do các biến chứng viêm phổi, co giật, viêm não và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Trên thế giới có tới 93% trường hợp bệnh nhân phải nhập viện và theo dõi biến chứng như viêm phổi, co giật hay tổn thương não, hơn 73% ca tử vong có liên quan đến ho gà xảy ra ở đối tượng trẻ dưới 3 tháng tuổi. Những con số thống kê này cảnh báo ho gà là vấn đề không nhỏ đối với nhóm trẻ sơ sinh, trong đó trẻ em dưới 03 tháng tuổi là đối tượng cần đặc biệt quan tâm do tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Gia đình cần tăng cường giám sát để sớm phát hiện cũng như phòng ngừa cho trẻ.

Các triệu chứng điển hình của ho gà bao gồm: Các cơn ho dồn dập, khó thở và kèm theo tiếng rít như gà khi hít sâu lấy hơi. Tuy nhiên, nhiều trẻ không có triệu chứng rõ rệt. Trẻ sơ sinh dưới 06 tháng tuổi có thể không đủ sức để rít sâu tạo ra tiếng gà. Do đó, phụ huynh dễ nhầm lẫn ho gà với các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh thông thường. Bởi vậy, khi phát hiện trẻ đã có những biến chứng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú ý đến nguy cơ lây nhiễm ngay tại gia đình. Ho gà có thể lây nhiễm qua đường hô hấp bằng cách tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Do đó, căn bệnh này rất dễ lây lan khi trẻ sơ sinh ở cùng một không gian với người mang mầm bệnh.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, nguồn lây chủ yếu cho trẻ nhỏ là từ người thân sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín. Có nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà bị lây nhiễm bởi cha mẹ hoặc người thân - những người thậm chí không biết mình mắc bệnh. Trẻ dưới 3 tháng tuổi đang trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”. Cơ thể trẻ không thể tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài do chưa hình thành miễn dịch chủ động. Lúc này, nhau thai và sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp kháng thể, giúp cơ thể trẻ duy trì hệ miễn dịch, tuy nhiên lượng kháng thể này sẽ giảm dần qua thời gian. Ngoài ra, theo lịch tiêm khuyến cáo từ Cục Y tế Dự phòng, trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa đủ điều kiện để được chủng ngừa 3 liều ho gà tiêu chuẩn. Do đó, giải pháp hiệu quả để chủ động bảo vệ trẻ là truyền kháng thể cho con ngay từ trong bụng mẹ thông qua việc tiêm ngừa

Hơn 40 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Brazil, Úc và mới đây là Việt Nam đã ban hành khuyến cáo chủng ngừa cho phụ nữ mang thai. Hiện tại, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vắc xin Tdap phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván cho thai phụ. Mục tiêu của việc tiêm phòng là để bảo vệ mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ, kháng thể phòng bệnh được truyền trực tiếp từ mẹ qua nhau thai cho con, ngăn ngừa nhiễm ho gà cho trẻ ngay khi sinh ra cho đến khi trẻ đủ tuổi tiêm phòng các liều vắc xin cơ bản.

Tiêm phòng vắc xin có thành phần ho gà cho phụ nữ mang thai là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, không chỉ bảo vệ bản thân người mẹ trong suốt thai kỳ mà còn trang bị sự bảo vệ sớm cho con khi chào đời. 

                                BS Mỹ Huyền – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)