PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY – CHÂN – MIỆNG
Hiện nay, khí hậu mùa Hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM) ở trẻ em phát triển và có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch, lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ gây ra bởi vi rút (Coxsackie vi rút và Entero vi rút), bệnh có thể lây lan bùng phát thành dịch.
Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 03 tuổi. Khi trẻ bắt đầu biết bò, trườn, đi, tập ăn dặm hoặc đi trường mẫu giáo tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, nguy cơ lây nhiễm thuận lợi hơn là điều kiện gây bùng phát dịch Tay - Chân - Miệng. Ở trẻ dưới 06 tháng do còn bú sữa mẹ, còn được nhận kháng thể chống bệnh tật từ mẹ và trẻ lớn trên 05 tuổi, có hệ miễn dịch phát triển tương đối hoàn thiện, khả năng mắc bệnh ít hơn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bóng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, do đó bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Đường lây truyền của Bệnh Tay - Chân - Miệng
Bệnh Tay - Chân - Miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Vi rút gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc...Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, vi rút vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, cốc chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Biểu hiện bệnh và cách chữa trị bệnh Tay - Chân - Miệng
Giai đoạn đầu
Biểu hiện: Bệnh Tay - Chân - Miệng biểu hiện chủ yếu trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng, niêm mạc lưỡi, má, vòm họng. Ban đầu, trẻ sẽ nổi các bọng nước nhỏ. Sau đó, các bóng nước vỡ ra, chảy dịch trong. Nếu dịch đục có thể đã bị nhiễm trùng. Các bọng nước trên da và niêm mạc khiến trẻ bứt rứt, khó chịu, dễ quấy khóc và bú kém. Đôi khi trẻ có kèm nóng sốt, có các triệu chứng trên đường hô hấp như ho, chảy mũi, hắt hơi hay trên đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, nôn, đi ngoài phân lỏng.
Chữa trị: Ở giai đoạn này, cho bé uống thuốc hạ sốt, bú thêm sữa, nước, chăm sóc và điều trị các bóng nước, hướng dẫn theo dõi những dấu hiệu chuyển nặng bệnh lên.
Giai đoạn sau
Trẻ sốt cao liên tục, khó hạ sốt, vẻ lừ đừ, li bì, bỏ bú và ngủ nhiều, giật bắn tay chân khi ngủ,đi đứng loạng choạng,... Đây là các dấu hiệu nghi ngờ bệnh diễn biến nặng lên, có tổn thương thần kinh trung ương. Có thể trẻ có dấu hiệu sốc, tụt huyết áp, da nổi bông, tri giác lơ mơ là nguy cơ biến chứng nặng, đe dọa tử vong là rất cao, cần phải nhập viện để khám và điều trị.
Cách phòng, chống bệnh Tay - Chân - Miệng
Hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc-xin dự phòng đối với bệnh TCM, việc chữa trị chủ yếu là nâng cao thể trạng và giảm triệu chứng.
Cách phòng bệnh Tay - Chân - Miệng như sau:
Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tắm gội, thay quần áo cho trẻ mỗi ngày.
Ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, an toàn, uống nước đun sôi để nguội. Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.
Các vật dụng của trẻ như khăn lau, áo quần, thìa bát cũng như dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nên được rửa sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Bàn ghế, sàn nhà, tay vịn, cầu thang, nắm cửa, nhất là tại các điểm trông giữ trẻ cần được quét dọn, lau chùi bằng nước sát trùng định kỳ, làm sạch nhà vệ sinh, cống thoát nước...
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.Khi có trẻ mắc bệnh, cần nhanh chóng cách ly, khử khuẩn để giảm nguy cơ lây lan sang trẻ khác.
Đối với các trường hợp nghi ngờ hay mắc bệnh, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, theo dõi, điều trị.
BS Mỹ Huyền – Thụy Hợp – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)