Phòng các bệnh mùa đông đối với người già, trẻ nhỏ

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột, nền nhiệt hạ thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp phát triển, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ và người già, trong khi đó một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm mùa vẫn đang diễn biến bất thường

Mùa đông nhiệt độ xuống thấp hơn so với mức bình thường, người cao tuổi và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu rất dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp. Vì vậy, để phòng bệnh, vào mùa đông người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng cần lưu ý về sức khỏe hơn.

Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt virus nhất đặc biệt vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của trẻ yếu, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, trẻ chưa kịp thích nghi, từ đó tạo điều kiện cho virus xâm nhập dẫn đến bị sốt. Vì vậy, trong những ngày thời tiết trở lạnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cho trẻ, cũng như bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho con.

Hen suyễn: Mùa đông thời tiết giá rét, khô hanh, ngày có thể nắng nhưng đêm đến nhiệt độ hạ thấp, nhiều khi nhiệt độ chêch lệch giữa ngày và đêm lên đến cả chục độ. Một trong những yếu tố gây hen phế quản ở người cao tuổi là do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính hoặc mạn tính, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản do lạnh đột ngột hoặc lạnh kéo dài nhất là khi người cao tuổi bị nhiễm lạnh. Vì vậy, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, gió rét người cao tuổi cần hạn chế ra đường và luôn luôn giữ ấm cơ thể tránh nhiễm lạnh.

Viêm Phổi: Mùa đông nhiệt độ xuống thấp tạo môi trường thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển gây nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, người già và trẻ em sức đề kháng yếu nhất là vào mùa đông khiến virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Kiểm tra sức khỏe trẻ em 

Vì vậy, vào mùa đông người cao tuổi và trẻ em cần được giữ ấm đường thở bằng cách mặc ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi đi ra đường, đội mũ kín tai và sử dụng nước ấm. Việc giữ ấm cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc viêm phổi ở người cao tuổi và trẻ nhỏ vào mùa đông.

Bệnh Cúm: Mùa đông nhiệt độ môi trường lạnh, độ ẩm trong không khí thấp tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và gây bệnh. Đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng yếu rất dễ mắc bệnh cúm vào mùa đông.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị nhiễm cúm và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do bệnh cúm. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khiến trẻ mệt mỏi,  khó chịu. Để phòng tránh cảm cúm  cho trẻ vào mùa đông, cha mẹ cần giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ cho trẻ,  cho trẻ uống nước ấm và không cho ăn đồ lạnh; Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh; Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là những người bị cúm; Bổ sung những thực phẩm giàu protein, vitamin C từ hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước. Với trẻ trên 6 tuổi cha mẹ cần tiêm phòng cúm cho trẻ hàng năm.

Cách phòng bệnh và kiểm soát sức khỏe cho người già và trẻ em trong mùa đông:

Mùa đông thời tiết giá rét làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là đối với người già và trẻ em, sức đề kháng yếu. Ngoài mắc các bệnh lý thời tiết kể trên,  người cao tuổi còn xuất hiện các bệnh lý mạn tính như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (POCD), tiểu đường, mỡ máu cao huyết áp,  Chính vì thế chủ động phòng tránh và kiểm soát bệnh lý theo mùa có ý nghĩa rất quan trọng để phòng bệnh hiệu quả.

Để phòng bệnh trong mùa đông cho người cao tuổi và trẻ nhỏ, bên cạnh việc giữ ấm cơ thể, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và luyện tập thể dục đều đặn, vừa sức giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh thì người cao tuổi cần theo dõi, kiểm soát sức khỏe định kỳ.

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng - Theo Báo sức khỏe và đời sống)