LỢI ÍCH CỦA TIÊM NGỪA VẮC XIN PHÒNG COVID -19

CHO TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

Ngay sau khi Bộ Y tế thông tin sẽ triển khai tiêm  vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khoảng từ tháng 4/2022 khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc xin hoàn tất, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ băn khoăn về vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo trẻ nên tiêm phòng vì những lợi ích của nó.

Tiêm vắc xin tạo kháng thể chống lại virus

Trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Hơn nữa, trong quá trình đi học, đi chơi, tham gia các hoạt động hàng ngày, các cháu thường tiếp xúc với nhiều người, nhiều nguồn lây nhiễm bệnh khác nhau, nguy cơ mắc bệnh Covid-19 rất cao. Vì vậy, nếu trẻ được tiêm  vắc xin phòng bệnh thì khi nhiễm bệnh sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. "Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong.

Với trẻ em cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm  vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Các nghiên cứu và thực tế cho thấy, bên cạnh những tác dụng phụ thì tác dụng của vắc xin trong phòng ngừa chung cho cộng đồng và tránh nguy cơ bệnh trở nặng đã được chứng minh. Các bậc phụ huynh nên đưa con em mình đi tiêm chủng nhằm tạo được miễn dịch, do đó trẻ sẽ ít có khả năng bị mắc bệnh hoặc nếu có mắc bệnh thì sẽ tránh cho bệnh trở nặng.

 

 

Trẻ khỏi từ 3 tháng trở lên có thể tiêm vắc xin

Nhiều phụ huynh băn khoăn, trẻ đã nhiễm Covid-19 rồi có nên tiêm, nếu tiêm thì tiêm vào thời điểm nào: Theo các nghiên cứu cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi  vắc xin phòng Covid-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6 - 9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các cháu.

Việc tiêm vắc xin chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định. Bộ Y tế đã đánh giá, việc tiêm  vắc xin sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng hoặc có thể chuyển nặng nếu bị mắc bệnh.

Loại vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về độ an toàn và tính sinh miễn dịch tốt và sử dụng tiêm cho trẻ em ở nhiều quốc gia khác nhau. Hiện tại Mỹ, Châu Âu và nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và kết quả cho thấy đều an toàn, hiệu quả.

Trẻ mắc các loại bệnh nào nên trì hoãn hay không được tiêm vắc xin Covid-19:

Theo quy định, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, thuộc đối tượng phải trì hoãn tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

 Với trẻ đã mắc Covid-19, sau khi khỏi bệnh sau ít nhất 3 tháng, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin  cho trẻ.

Cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm?

Để giúp trẻ thoải mái hơn trước, trong và sau tiêm chủng, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên trao đổi với trẻ về tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cha mẹ cũng nên cho con ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2...Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại  vắc xin khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống. Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, cha mẹ cũng nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

Theo dõi trẻ sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thế nào?

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.

 Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm  vắc xin Covid-19.

Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Vì sức khỏe con em chúng ta, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

                                                                                                       Thái Tuyền ( CDC Lâm Đồng)